Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Đề xuất chuyển nhà tái định cư bị bỏ hoang sang nhà ở xã hội: Chuyên gia nói gì?

-

Để không còn tình trạng nhà tái định cư bị bỏ hoang và nhằm cải thiện nguồn cung, nhiều ý kiến đề xuất cần nhanh chóng chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội.

Trong lúc nguồn cung nhà ở đang vô cùng khan hiếm, khiến giá liên tục tăng cao thì có đến hàng chục nghìn căn hộ tái định cư lại bị bỏ hoang.

Trước thực trạng này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có các giải pháp “đánh thức” loại hình này để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.

Một trong những giải pháp được VARS nêu ra là bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội vào cùng một phân khúc. 

Bàn luận về ý tưởng này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội không quá khó khăn do Chính phủ đang chú trọng phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần phải thực hiện nhanh chóng vì càng để lâu các căn hộ tái định cư sẽ càng xuống cấp và càng mất giá. Khi đó, việc đấu thầu hay bán cũng khó. 

Mặt khác, hiện nay cơ chế bồi thường đều theo thị trường, đa số người dân nhận tiền để tự tái định cư, chỉ rất ít một bộ phận nhỏ nhận nhà, khi tiền đền bù không đủ để lo chỗ ở riêng. Nên việc chuyển đổi nhà càng tái định cư sang mục đích khác càng dễ thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng chuyển nhà tái định cư bị bỏ hoang sang nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng chuyển nhà tái định cư bị bỏ hoang sang nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, việc chuyển đổi công năng của khu nhà tái định cư sang nhà ở xã hội là cần thiết để tránh lãng phí. Tuy nhiên, cần phải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp toàn diện nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở.

HoREA cũng đề xuất Nhà nước giao cho cơ quan quản lý nhà ở xét duyệt đối tượng được thụ hưởng loại nhà ở xã hội chuyển đổi công năng này, cũng như sớm thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua nhà ở xã hội.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cũng cho rằng, việc nhà tái định cư bị bỏ hoang trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của người dân cao, nguồn cung lại khan hiếm là điều rất vô lý.

Không chỉ gây lãng phí nguồn đất, ngân sách Nhà nước mỗi năm còn phải bỏ ra tiền tỷ để duy tu, bảo dưỡng, trả lãi vay.

Việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội vừa tạo thêm nguồn cung nhà giá rẻ cho người dân, lại vừa giúp Nhà nước thu được tiền để đầu tư nhiều việc khác“, vị lãnh đạo doanh nghiệp nêu quan điểm.

Hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang

Theo ghi nhận của VARS, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang xuất hiện nhiều tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, khoảng 4.000 căn đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Tương tự, trên địa bàn TP.HCM cũng có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ…

Lý giải về tình thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS phân tích: do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.

Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở.

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông…làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.

Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ký văn bản gửi UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, đề nghị các địa phương tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories