Quá trình chuyển nhượng dự án
Vừa qua, dàn cựu lãnh đạo ngành cao su bị khởi tố do bị cáo buộc liên quan sai phạm tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn , quận 4, TPHCM.
Theo Kết luận 757 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, khu đất có nguồn gốc là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được quản lý bởi 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Năm 2009, 2 doanh nghiệp Nhà nước là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa góp lần lượt 72% vốn và 28% vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (sau đây gọi là Công ty Phú Việt Tín) và được TPHCM giao khu đất để đầu tư, kinh doanh.
Ngày 25/3/2010, UBND TPHCM có Quyết định số 1366 thu hồi và giao đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư kinh doanh theo quy hoạch.
Đến năm 2017, Công ty Phú Việt Tín đã ký hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên (công ty con của Novaland). Novaland đã xây dựng dự án, bán cho khách hàng với tên thương mại The Tresor.
Tuy nhiên, trước khi dự án được sang tay Novaland, tài liệu cho thấy Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) từng tham gia vào quá trình mua, bán cổ phần Công ty Phú Việt Tín.
Nghị quyết HĐQT của Quốc Cường Gia Lai ngày 4/8/2014 quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai – làm người đại diện phần vốn góp 5,94 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99% trên vốn điều lệ công ty tại Công ty Phú Việt Tín.
Ngày 10/9/2014, Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 1% vốn Công ty Phú Việt Tín từ 2 cổ đông là Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa với tỷ lệ lần lượt 0,72% vốn góp (tương đương 43,2 triệu đồng vốn điều lệ) và 0,28% vốn (tương đương 16,8 triệu đồng vốn điều lệ).
Sau khi nắm 100% vốn Công ty Phú Việt Tín, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng lại cổ phần doanh nghiệp này cho 2 pháp nhân và một cá nhân.
Cụ thể, ngày 3/9/2014 và ngày 11/11/2014, Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng lần lượt 0,5% vốn và 5,5% vốn Công ty Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến.
Ngày 14/11/2014, Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 94% vốn Công ty Phú Việt Tín cho Công ty cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng (40%) và Công ty cổ phần Biệt thự Thành phố (54%). Giá trị chuyển nhượng lần lượt là hơn 340 tỷ đồng và 459 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Như Loan xác nhận các giao dịch trên là đúng. Bà Loan cho biết số tiền thu về khi chuyển nhượng phần vốn tại Phú Việt Tín là khoảng 846 tỷ đồng.
Bà Loan đánh giá dự án 39-39B Bến Vân Đồn có vị trí đẹp, đắc địa. Quốc Cường Gia Lai khi đó còn dự định làm bến du thuyền kết nối từ dự án này thông với dự án Phước Kiển Nhà Bè (TPHCM).
Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc Cường Gia Lai tập trung về dự án Phước Kiển nên HĐQT chọn không đầu tư dàn trải. HĐQT đã lựa chọn chuyển nhượng Công ty Phú Việt Tín và không trực tiếp triển khai xây dựng dự án.
Không trực tiếp mua toàn bộ cổ phần Phú Việt Tín từ 2 công ty cao su
Theo giấy phép kinh doanh bà Nguyễn Thị Như Loan cung cấp, năm 2010, Công ty Phú Việt Tín có vốn điều lệ 6 tỷ đồng. 3 thành viên góp vốn gồm Công ty Retro Harvest (nắm 80% vốn), Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (nắm 14,4% vốn) và Công ty Cao su Bà Rịa (nắm 5,6% vốn).
Ngày 6/12/2013, Quốc Cường Gia Lai có hợp đồng hứa chuyển nhượng vốn góp với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (gọi tắt là Công ty Việt Tín, do ông Đặng Phước Dừa làm người đại diện) tại Công ty Phú Việt Tín.
Theo đó, Công ty Retro Harvest có ủy quyền cho ông Đặng Phước Dừa – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Tín – quyền định đoạt phần vốn góp với tỷ lệ 80%. Bên bán (đại diện là ông Đặng Phước Dừa và bà Lê Y Linh) cam kết chịu trách nhiệm chuyển nhượng cho bên mua và bên mua cam kết nhận chuyển nhượng từ bên bán toàn bộ 100% vốn Công ty Phú Việt Tín.
Giá chuyển nhượng là 460,9 tỷ đồng, đã bao gồm quyền sở hữu 100% Công ty Phú Việt Tín, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn, tiền nộp cho quyền sử dụng đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn, giá trị quyền sử dụng đất do Sở Tài chính định giá thông báo giá trị nộp thuế.
Đại diện Quốc Cường Gia Lai nói thêm, tổng giá vốn nhận chuyển nhượng là hơn 464 tỷ đồng, bao gồm các khoản chi phí liên quan dự án.
Ngoài ra, Công ty Retro Harvest cũng có giấy ủy quyền cho bà Lê Y Linh tìm kiếm, giao dịch, thương lượng để chuyển nhượng phần vốn tại Công ty Phú Việt Tín.
Tháng 8/2014, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín do bà Lê Y Linh làm người đại diện, có ký hợp đồng chuyển nhượng 79,2% vốn góp tại Công ty Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa làm đại diện, cũng ký hợp đồng chuyển nhượng 19,8% vốn góp tại Công ty Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai.
Tháng 9/2014, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có ký hợp đồng chuyển nhượng 0,72% vốn điều lệ Công ty Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai. Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa có ký hợp đồng chuyển nhượng 0,28% vốn Công ty Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan nói tháng 7/2014, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có văn bản thống nhất ý kiến về việc chuyển nhượng 80% vốn cho Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín (bà Lê Y Linh đại diện), chuyển nhượng 20% vốn cho Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại Việt Tín (ông Đặng Phước Dừa đại diện). Giai đoạn 1 chuyển nhượng 99% vốn, giai đoạn 2 chuyển 1%.
Bà Loan nói Quốc Cường Gia Lai không liên quan gì đến Tập đoàn Cao su, 1% ký bán trực tiếp cho công ty cũng do ông Dừa và bà Linh thu xếp vì tập đoàn này đã có văn bản chỉ ký bán cho 2 công ty Việt Tín như trên.
Bà Loan khẳng định Quốc Cường Gia Lai là bên mua ngay tình, mua 100% vốn Công ty Phú Việt Tín từ 2 công ty tư nhân sở hữu (đại diện là ông Dừa và bà Linh), là 2 công ty tư nhân có đăng ký giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, có đầy đủ thủ tục mua bán theo luật doanh nghiệp, đúng theo quy định của pháp luật.