Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025

Băn khoăn đề xuất Hà Nội được quyết dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, 500 ha đất lúa

-

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc đề xuất Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, đất trồng lúa từ 500 ha trở lên

Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận về luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo luật đề xuất cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, đất trồng lúa từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

Băn khoăn đề xuất Hà Nội được quyết dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, 500 ha đất lúa- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hoà phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Hà Nội nên cân nhắc các đề xuất này. Vị đại biểu cho rằng không nên cho phép TP Hà Nội quyết định các dự án đầu tư chuyển đổi trên 1.000 ha rừng và trên 500 ha đất lúa. “Tôi nghĩ thủ đô Hà Nội cần phải có một “lá phổi” tuyệt vời để người dân Hà Nội được hưởng. Cho phép trên 1.000 ha thì là bao nhiêu, có thể là 2.000 ha, 3.000 ha? Trên 1.000 ha mà không có con số xác định là bao nhiêu thì tôi nghĩ ban soạn thảo và thủ đô Hà Nội cần cân nhắc” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, chỉ nên quy định thẩm quyền của TP Hà Nội quyết định các dự án chuyển đổi dưới 1.000 ha rừng và dưới 500 ha đất lúa. Trên mức này thì cần xin cấp có thẩm quyền. Như thế phù hợp hơn, mặc dù có cơ chế đặc thù nhưng không thể đặc thù cao hơn như thế được.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cũng đề nghị đặc biệt cân nhắc. Vị đại biểu dẫn số liệu của TP Hà Nội cho biết tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng của Hà Nội năm 2022 chỉ có trên 27.000 ha, trong đó diện tích có rừng là 18.577 ha, với hơn hơn 7.500 ha rừng tự nhiên và gần 11.000 ha rừng trồng, diện tích chưa thành rừng của Hà Nội là 8.500 ha.

Băn khoăn đề xuất Hà Nội được quyết dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, 500 ha đất lúa- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn tỉnh Đồng Tháp) nêu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng

Với thực trạng như vậy, tỉ lệ che phủ rừng của Hà Nội chỉ đạt 5,59%, thuộc nhóm những tỉnh, thành có tỉ lệ che phủ rừng thấp trong cả nước, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ che phủ bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng là 21,26%

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất trồng rừng và coi việc nâng tỉ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề sống còn, cốt lõi. Đề nghị hạn chế tối đa các dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đồng thời có giải pháp tăng thêm diện tích trồng cây xanh trong khu vực đô thị trung tâm thành phố.

Trong trường hợp đặc biệt, cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế lấy ý kiến nhân dân và đề nghị quy định lại theo hướng quy định diện tích cận trên, diện tích tối đa và cần tính toán kỹ diện tích tối đa để bảo đảm sự phát triển bền vững chứ không quy định diện tích cận dưới và không khống chế diện tích tối đa như trong dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết dự thảo luật có quy định về việc để chúng ta khai thác các tiềm năng ở ven sông, trong này có ghi cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ và được xây dựng các công trình ngoài bãi sông nhưng phải tuân thủ theo Luật Đê điều.

Theo đại biểu, nếu chúng ta ghi được phép xây dựng nhưng lại tuân thủ theo Luật Đê điều sẽ diễn ra tình trạng giống như thời gian vừa qua vì hành lang thoát lũ bao gồm phần toàn bộ không gian ngoài đê, trong đó gồm phần để dòng chảy cho đến mùa lũ và phần thứ hai là phần không phải chảy mà chỉ chứa nước, người ta gọi là chậm lũ.

“Nếu chúng ta quy định như thế sẽ không còn phần không gian nào được phép khai thác, nên chúng tôi đề nghị chúng ta phải điều chỉnh lại là chỉ có xây dựng, quản lý ở trên phần hành lang dòng chảy vào mùa lũ chứ không phải toàn bộ hành lang thoát lũ giống như Luật Đê điều quy định chung cho tất cả mọi địa phương” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories