Theo các chuyên gia trong ngành, quy định mới về cấp sổ đỏ cho đất giấy tay, không giấy tờ sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng đất được cấp sổ đỏ, đồng thời giúp Nhà nước thu tiền sử dụng đất và thuận lợi trong quản lý đất đai.
Điều 138 Luật Đất đai 2024 quy định về việc cấp sổ đỏ có nội dung, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất sai thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì được cấp sổ đỏ. Quy định này được hiểu là cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất (đất mua, đất cha mẹ để lại, đất được Nhà nước giao) đã sử dụng trước ngày 1/7/2014 mà không vi phạm, không tranh chấp sẽ được tạo điều kiện cấp sổ đỏ.
Ngoài quy định trên, Luật Đất đai năm 2024 quy định hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được giao đất nông nghiệp đã sử dụng làm đất ở, đất phi nông nghiệp trước ngày 1/7/2014 mà không có các giấy tờ quy định, có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương, thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thì được cấp sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất.
Quy định cấp sổ đỏ cho đất không đủ giấy tờ pháp lý không phải là mới, nhưng so với luật hiện hành, quy định này được nới thời gian thêm 10 năm.
Quy định này chủ yếu nhằm giải quyết cho các trường hợp đất do cha ông để lại, đã được sử dụng lâu đời nhưng do các yếu tố khách quan như: người dân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế hoặc do không có nhu cầu chuyển nhượng đất nên không đi đăng ký để cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, quy định cũng nhằm điều kiện cho các trường hợp được giao đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai được cấp
sổ đỏ.
Thời điểm xây dựng và lấy ý kiến dự thảo luật và nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, có ý kiến lo ngại xảy ra lợi dụng chính sách mới để làm sổ đỏ. Tuy nhiên, điều kiện cần thiết phải có xác nhận của UBND cấp xã đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch. Quy định này vừa tạo điều kiện cho người sử dụng đất, vừa góp phần làm tăng thu cho ngân sách.
Theo luật, quy trình làm sổ đỏ cho đất mua bán giấy tay, không đầy đủ giấy tờ sẽ qua 4 bước: nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện; cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ; cơ quan cấp sổ đỏ thẩm định hồ sơ và thông báo thực hiện các nghĩa vụ tài chính; chờ cấp sổ đỏ lần đầu không quá 30 ngày, trường hợp kéo dài có thể kéo dài 40 ngày.
Đại diện UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, quy định cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ sử dụng trước ngày 1/7/2014; lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở từ trước ngày 1/7/2014 mà không thuộc quy hoạch lâm nghiệp đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và không thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng đã giải quyết các vướng mắc cho huyện trong quá trình lập phương án sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho UBND huyện giải quyết nhu cầu được cấp sổ đỏ cho người dân trên địa bàn các xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý.
Ngoài ra, quy định cho phép sử dụng đất đa mục đích tại Điều 218 cũng tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích phát triển du lịch, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và khai thác lợi thế về tài nguyên đất rừng của huyện.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá. Để phát huy hiệu quả các điểm mới của luật, các sở, ngành, địa phương, đoàn thể, hội đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để khi luật có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống.