Thông qua ký kết MOU, Tập đoàn LH sẽ hỗ trợ UBND tỉnh nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến về ý tưởng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và kế hoạch kinh doanh để Khu đô thị mới có thể phát triển thành thành phố thông minh. Đồng thời tận dụng kinh nghiệm phát triển đô thị của các nước phát triển, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Lĩnh vực, nội dung chính MOU bao gồm: nghiên cứu, trao đổi ý tưởng và hợp tác, gồm các công việc như lập quy hoạch chi tiết và kế hoạch kinh doanh để thực hiện thành công dự án; Tổ chức hội thảo về các vấn đề đô thị ở tỉnh Bắc Ninh, hệ thống pháp luật Hàn Quốc và các đề xuất cải thiện quy định cũng như kế hoạch kinh doanh của Khu đô thị mới; Phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư và hội thảo để thu hút và kích hoạt đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Hàn Quốc vào dự án Khu đô thị mới; Phối hợp vận hành nhóm chuyên trách và phái cử nhân sự tham gia để thực hiện các công việc tiếp theo.
Theo văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo MOU theo góp ý của Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 13/06/2024.
Được biết, năm 2017, UBND tỉnh thông qua đồ án quy hoạch phân tỷ lệ 1/5000 khu đô thị Đông Nam thành phố Bắc Ninh có tổng diện tích đất tự nhiên 1.505 ha, trong đó thành phố Bắc Ninh là 589,25 ha, còn lại thuộc huyện Quế Võ (nay là thị xã). Đến năm 2030 dân số khoảng 65.000 người.
Ranh giới dự án thuộc một phần các phường, xã của thành phố Bắc Ninh: Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Đại Phúc, Vân Dương và Kim Chân; các xã của huyện Quế Võ: Đại Xuân, Nhân Hòa và Phương Liễu. Phía Bắc giáp đường ĐT 279; phía Nam giáp QL 18 và KCN Quế Võ 1; phía Đông giáp ĐT 278 và CCN Nhân Hòa – Phương Liễu; phía Tây giáp QL 1A.
Khu đô thị Đông Nam được định hướng quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan theo mô hình “đô thị nén trong khu vực trung tâm” với mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất đạt tiêu chuẩn tối đa (nén nhẹ). Đồng thời, sử dụng hỗn hợp chức năng đất đai để phát triển các khu vực đa chức năng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là công nhân sinh hoạt, đi làm việc bằng cách đi bộ, xe đạp và sử dụng giao thông công cộng. Bao gồm Khu công trình công cộng; Khu công viên cây xanh, mặt nước sinh thái và vui chơi giải trí (trung tâm); Khu dân cư hiện trạng; Khu dân cư đô thị; Khu nông nghiệp đô thị; Khu dự trữ phát triển.
Trước đó, vào năm 2021, Tổng Công ty Nhà đất Hàn Quốc và UBND tỉnh Hưng Yên đã từng ký thỏa thuận hợp tác phát triển thành phố thông minh tại Hưng Yên. Ở địa phương nay, LH cùng với CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland đang thực hiện dự án Khu công nghiệp hơn 140 ha thuộc Đề án Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên. Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư hơn 1.780 tỷ đồng.
Vào giữa năm 2023, LH cũng có trao đổi bản ghi nhớ hợp tác với UBND các tỉnh như Thanh Hóa, UBND tỉnh Hải Dương, Thái Bình về Chương trình đối tác tăng trưởng đô thị, nhằm mục đích nghiên cứu xác định các dự án đô thị mới thông minh, khu công nghiệp và phát triển đô thị. Trước khi đổ bộ vào miền Bắc, năm 2016, doanh nghiệp này cũng tìm cơ hội đầu tư tại Bình Định với mong muốn kiếm mặt bằng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, làm cơ sở thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.
Thông tin về Tập đoàn LH, đây là đơn vị nhà nước trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc; thành lập năm 2010 trên cơ sở hợp nhất hai công ty là Công ty Nhà ở quốc gia Hàn Quốc (KNHC) và Công ty Đất Hàn Quốc (KOLAND). Tập đoàn LH có vốn pháp định 40 ngàn tỷ won (29 tỷ USD), nhiệm vụ chính là xây dựng nhà ở vì sự ổn định chỗ ở của những người vô gia cư và những người yếu ớt, thực hiện dự án nhà ở phúc lợi theo yêu cầu; dự án thuộc chính sách của Chính phủ Hàn Quốc…