Lô trái phiếu Phú Son hé mở mối quan hệ với Central Capital
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Son (Phú Son) mới có công bố định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2023.
Theo đó, trong kỳ báo cáo từ 1/1/2023 đến 31/12/2023, doanh nghiệp phải thanh toán gần 75 tỷ đồng tiền lãi và 277 tỷ đồng tiền gốc lô trái phiếu PAICH2124001. Tuy nhiên, doanh nghiệp này mới chỉ thanh toán 100 triệu đồng tiền gốc lô trái phiếu trên.
Phía Phú Son cho biết, việc chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu là do biến động chung của nền kinh tế dẫn đến hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng, chưa thu xếp nguồn vốn.
Được biết, lô trái phiếu PAICH2124001 phát hành ngày 31/12/2021, với giá trị phát hành 350 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng. Tổ chức lưu ký là Công ty CP Chứng khoán Everest.
Về Phú Son, doanh nghiệp này thành lập ngày 07/09/2016, trụ sở chính tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam; hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Vốn điều lệ ban đầu của Phú Son là 5 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là: Phạm Văn Phát (2%), Đinh Hữu Khanh (70%) và Nguyễn Thị Thanh Hương (28%). Người đại diện theo pháp luật là ông Đinh Hữu Khanh (SN 1964).
Tháng 1/2018, doanh nghiệp tăng vốn lên 22 tỷ đồng; ông Đinh Hữu Khanh vẫn nắm giữ 70% vốn và 30% còn lại thuộc về ông Phạm Văn Phát (1%) và bà Nguyễn Thị Thanh Hương (29%).
Đến tháng 7/2021, Phú Son tăng vốn đột biến từ 22 tỷ đồng lên 325 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Sau nhiều lần thay đổi, tại công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần đây nhất (tháng 12/2022), ông Mai Văn Thảo (SN 1993) giữ vai trò Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Phú Son.
Quay trở lại với lô trái phiếu 350 tỷ đồng của Phú Son, theo BCTC kiểm toán 2023 CTCP Đầu tư Tài sản Koji (MCK: KPF), đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về việc KPF chuyển nhượng 400 trái phiếu do Phú Son phát hành với giá 2,5 triệu/trái phiếu trong khi trái phiếu có mệnh giá 10 triệu/trái phiếu cho CTCP PAC Quốc tế – cổ đông lớn của KPF (sở hữu 22,76% tính tới cuối năm 2023).
Phía kiểm toán cho rằng, do trái phiếu của Công ty Phú Son phát hành chưa được giao dịch rộng rãi trên thị trường nên giá trị giao dịch này chỉ được xác định căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ tục kiểm toán hiện có, đơn vị kiểm toán không xác định được tính hợp lý của giao dịch này. Việc chuyển nhượng này làm chi phí tài chính tăng thêm 3 tỷ đồng.
Cũng theo BCTC kiểm toán năm 2023, trong năm này, KPF phát sinh nhiều giao dịch với Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm- chủ đầu tư Dự án Prime Resort & Hotel Cam Ranh (Lô D14C, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà).
Đáng chú ý, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu Phú Son là các biệt thự khu du lịch sinh thái Prime Resort and Hotels.
Cả Cam Lâm và KPF đều từng liên quan mật thiết tới doanh nhân Vũ Đức Toàn cũng như nhóm Central Capital. Theo Báo cáo quản trị của KPF, ông Toàn tham gia vào KPF từ tháng 3/2018 với vai trò thành viên HĐQT; còn bà Trần Thị Dịu Hòa (cổ đông sáng lập của Central Capital) cũng từng là thành viên HĐQT tại KPF từ tháng 8/2019.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Hậu- pháp nhân liên quan đến Central Capital, từng giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư tài sản Koji trong khoảng thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 8/2023.
Tại Đầu tư Cam Lâm, ông Vũ Đức Toàn từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.
‘Phác họa’ ông chủ của Central Capital
Về Central Capital, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 12/11/2018 với vốn điều lệ ban đầu là 98 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Vũ Đức Toàn (40%); Trần Thị Dịu Hòa (30%); Lê Thanh Tuấn (30%). Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là bà Trần Thị Dịu Hòa (SN 1982).
Tháng 6/2019, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có sự thay đổi. Lúc này, ông Vũ Đức Toàn giảm sở hữu xuống còn 32,5%; bà Trần Thị Dịu Hòa 32,5%; ông Lê Thanh Tuấn 15% và 20% còn lại thuộc về bà Mai Thị Hằng (tức Mai Thị Thu Hằng).
Tháng 3/2020, doanh nghiệp tăng vốn lên 300 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của 4 cổ đông được giữ nguyên. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, vốn điều lệ Central Capital vẫn ở mức 300 tỷ đồng nhưng cơ cấu cổ dông lúc này là: ông Vũ Đức Toàn 42,73%; bà Trần Thị Dịu Hòa 42,73% và ông Lê Thanh Tuấn 14,54%.
Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 9/2021, ông Lê Thanh Tuấn rút vốn khỏi Central Capital, chỉ còn 2 cổ đông là ông Vũ Đức Toàn (57,27%) và bà Trần Thị Dịu Hòa (42,73%).
Tháng 9/2022, ông Kim Ki Hong (quốc tịch Hàn Quốc) thay bà Dịu Hòa giữ vị trí Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Central Capital.
Đến tháng 5/2023, ông Vũ Đức Toàn không còn là cổ đông tại Central Capital; lúc này, bà Trần Thị Dịu Hòa nắm giữ tới 95% vốn doanh nghiệp, 5% còn lại thuộc về ông Phạm Ngọc Tuấn.
Sau nhiều thay đổi về nhân sự cấp cao, hiện ông Hoàng Văn Hậu (SN 1964) đang là Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Central Capital.
Về cổ đông nắm cổ phần chi phối tại Central Capital, bà Dịu Hòa từng có nhiều năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O JSC) – nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp ở khu vực phía Nam.
Sau khi tham gia sáng lập Central Capital, bà Hòa không giữ chức Chủ tịch HĐQT tại N.H.O JSC.
Ngoài ra, bà Hòa còn cùng ông Lê Thanh Tuấn, ông Vũ Đức Toàn liên tục cùng nhau thành lập nhiều doanh nghiệp “họ” Central Capital như: CTCP Central Capital Group, CTCP Central Capital Finance, CTCP Central Capital Agriculture, CTCP Mua bán nợ Central Capital,…