Nhiều yếu tố hỗ trợ
Số liệu thống kê cho hay, năm 2023, cả nước có khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch chưa phục hồi như kỳ vọng, toàn thị trường chỉ ghi nhận 726 giao dịch thành công trong năm 2023, vì các dự án vẫn đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ nhà đầu tư mua trước đó. Tại thị trường thứ cấp, sản phẩm biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng cũng phải đối mặt với thực tế khó thanh khoản, dù giá đã giảm sâu.
Tới thời điểm hiện tại, khi các phân khúc khác đều có dấu hiệu phục hồi thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “ảm đạm”. Dù ngành du lịch, lĩnh vực được coi là “bàn đạp” cho đà tăng của bất động sản nghỉ dưỡng – đang tăng trưởng mạnh mẽ, gần tiến tới mức tương đương năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái (bao gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú).
Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) bày tỏ tin tưởng rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai dự án hạ tầng… Đặc biệt là hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, sẽ là động lực để doanh nghiệp (DN) đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đó phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ được “bơm” thêm vốn và sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản.
Cùng với đó, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… trong thời gian tới đây cũng được kỳ vọng sẽ đạt “độ ngấm” nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại của du lịch nghỉ dưỡng.
Con số khả quan được VARS dự kiến về nguồn cung bất động sản, nghỉ dưỡng năm 2024 là cải thiện khoảng 20% so với năm trước. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc này, do vừa đáp ứng nhu cầu du lịch biển của khách du lịch trong và ngoài nước, phân khúc căn hộ biển cũng có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.
Cũng nhận định rằng, có nhiều cơ hội cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển, PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn về Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra một cái nhìn đầy khả quan. Theo vị chuyên gia, tiềm năng phát triển thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong thời gian tới là rất lớn bởi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của nhà đầu tư. Ông Thiên khẳng định những tín hiệu tươi sáng đối với ngành du lịch là rất rõ ràng, minh chứng ở số lượt khách du lịch quốc tế gia tăng ấn tượng trong 5 tháng đầu năm. Và khi vào cao điểm du lịch, cơ hội còn được mở rộng hơn nữa. “Khi du lịch ấm lên thì sẽ là đòn bẩy hữu hiệu cho bất động sản nghỉ dưỡng, rộng hơn là bất động sản du lịch khởi sắc” – ông Thiên nhận định.
Tìm hướng đi bền vững
Tất nhiên, chớp được thời cơ là một khía cạnh, làm sao để phát triển bền vững mới là vấn đề mà các DN bất động sản cần phải hết sức quan tâm.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng, để phát triển bền vững, chủ đầu tư phải chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần nỗ lực để thích nghi với xu hướng mới, đem tới trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.
Một số ý kiến của giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, để các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển mạnh, bền vững thì không thể bỏ qua yếu tố “xanh”. Những sản phẩm đảm bảo tính xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường chắc chắn sẽ thu hút và nhận được sự quan tâm nhiều hơn bởi nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Xu hướng hiện nay của khách hàng là ưu tiên những trải nghiệm phù hợp với giá trị cá nhân. Vì thế, dự án nào truyền đạt được cam kết về phát triển bền vững, yếu tố sức khỏe, thân thiện môi trường sẽ chiếm được ưu thế hơn, cạnh tranh hơn và có thể đảm bảo gia tăng giá trị trong dài hạn.
Trao đổi về vấn đề này với báo giới, chuyên gia kinh tế – TS Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ sự kỳ vọng về những gam màu sáng cho bất động sản nghỉ dưỡng. Theo vị chuyên gia, có khá nhiều yếu tố tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và bứt phá trong thời gian tới. Ngoài du lịch phục hồi lượng khách, nhất là khách quốc tế, thì bất động sản nghỉ dưỡng còn được hưởng lợi từ việc tăng tiêu dùng của người dân. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ dịch vụ và hàng hóa năm 2023 tăng 9,6% (mục tiêu đặt ra là 9%). Thứ nữa, theo TS Vũ Đình Ánh, yếu tố chuyên nghiệp của các nhà làm bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng đã được nâng cao, thực hiện nhiều chương trình du lịch hấp dẫn giúp làm tăng thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của các du khách.
Bên cạnh đó là, mặc dù chậm nhưng vẫn có những điều chỉnh chính sách liên quan đến bất động sản du lịch để giúp cho các sản phẩm bất động sản du lịch có thể tạo ra thị trường sôi động hơn và tăng hiệu suất sử dụng, hấp dẫn sức cầu đối với bất động sản du lịch. “Bất động sản du lịch hiện nay đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Do đó, kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong năm 2024 so với năm 2023 là hoàn toàn có thể” – TS Vũ Đình Ánh bày tỏ tin tưởng.
Giới chuyên gia cũng nhận định, thị trường bất động sản và nghỉ dưỡng đang bước vào giai đoạn quan trọng cho sự phục hồi. Đây là thời điểm mà các DN, nhà đầu tư tiếp tục nỗ lực để đem tới những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay có thể cải thiện 20% so với năm ngoái. Trong đó, loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần. Giá bán trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có xu hướng cải thiện nhẹ. Sản phẩm căn hộ du lịch có giá khoảng 50 triệu đồng mỗi m2 sẽ tiếp tục đi ngang trên thị trường thứ cấp. Lượng giao dịch được dự báo tăng khoảng 30% so với năm ngoái, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19.