Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Hình ảnh hầm nhà liền kề, biệt thự triệu đô ngập trong nước sau mưa lớn

-

Mặc dù trận mưa đã chấm dứt từ sáng 24/7 nhưng tới buổi chiều cùng ngày, tầng hầm nhà liền kề và biệt thự tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội) vẫn ngập trong nước.

Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 gây mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập trong nước. Thậm chí, có những nơi nước ngập sâu cả mét.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vào chiều ngày 24/7, ngay từ cổng chào khu đô thị Nam An Khánh, nước vẫn bao trùm khiến xe cộ đi lại rất khó khăn. Bên ngoài tầng hầm căn nhà liền kề, biệt thự tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn vẫn bị ngập nước.

Theo tìm hiểu, hiện nay, các căn liền kề, biệt thự tại khu đô thị Geleximco hầu hết đều có giá rao bán tương đối cao, nhiều căn được rao giá 20-40 tỷ đồng, tùy vị trí và diện tích. Thời điểm giữa năm ngoái, giá liền kề, biệt thự tại đây đã tạo đáy, đến giờ đã tăng khoảng 30%. Giá thuê mặt bằng kinh doanh cũng dao động 30-50 triệu đồng/tháng. 

Nhiều căn biệt thự, liền kề thuộc khu A, B và C tại dự án Geleximco bị ngập sâu trong nước (Ảnh: Dương Tâm).

Hình ảnh biệt thự ngập kín tầng hầm. Chủ nhà phải dùng tấm chắn chặn nước để tránh nước tràn vào (Ảnh: Dương Tâm).

Lối đi vào trong khu đô thị đều thành sông, rác nổi lềnh phềnh chiều 24/7 (Ảnh: Dương Tâm).

Một số nhà dùng máy bơm chạy liên tục vào chiều ngày 24/7 để hút nước từ tầng hầm ra ngoài (Ảnh: Dương Tâm).

Nhiều hàng quán thuộc khu A và C trên mặt đường Lê Trọng Tấn phải đóng cửa vì ngập nước tầng hầm (Ảnh: Dương Tâm).

Nước ngập quá nửa thân xe máy khiến người dân khó di chuyển (Ảnh: Dương Tâm).

Trước đó, một ngày sau trận mưa lớn vào tháng 9/2023, tầng hầm nhiều căn biệt thự, liền kề tại dự án này cũng như một số dự án khu vực khu đô thị Nam An Khánh ngập trong nước. Khu vực trước cổng khu đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đô thị Geleximco, khu đường gom Láng Hòa Lạc… thường có mức độ ngập úng sâu.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo giới chuyên gia quy hoạch – đô thị, là việc phát triển đô thị tùy tiện, chưa quan tâm đúng mức tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

KTS Phạm Thanh Tùng – Hội Kiến trúc sư Việt Nam – nhấn mạnh, thứ nhất, quy hoạch nào cũng có cốt nền khu vực, nhưng khi thực hiện, điều này chưa được quan tâm.

Ngoài ra, khi xây dựng, chủ đầu tư phải làm hệ thống cấp – thoát nước, xác định lượng nước thải một ngày, tính toán lượng nước mưa. Trừ các khu đô thị xen kẽ trong nội đô, hầu hết các khu đô thị mới đều có đặc điểm là đất ruộng.

Do vậy, theo ông Tùng, việc xác định cốt nền, tính toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải được làm trước, phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, rồi sau đó mới cho xây dựng nhà.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories