Đại hội đồng cổ đông Quốc Cường Gia Lai (QCGL) tổ chức sáng 30/7 tại TP.HCM sau lần đầu tổ chức bất thành giữa tháng trước. Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Quốc Cường tham gia điều hành đại hội với tư cách Tổng giám đốc thay mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan.
Ngoài những nội dung kinh doanh, cổ đông QCGL đã thông qua việc từ nhiệm Thành viên hội đồng quản trị HĐQT độc lập đối với bà Trịnh Thị Mỹ Hạnh và miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Như Loan.
Bà Như Loan, người sáng lập QCGL, cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã bị khởi tố, bắt giam ngày 19/7, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan đến dự án 39-39A Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM.
Đại hội cũng bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT mới là ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng giám đốc QCGL và bà Hà Thị Thu Thủy.
Trong phiên thảo luận, trước khi trả lời cổ đông, ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ và mong cổ đông đồng hành về những vấn đề QCGL không may vừa xảy ra với doanh nghiệp.
“Tất cả mọi chuyện vẫn còn trong quá trình điều tra. Tôi, với vai trò Tổng Giám đốc mới, sẽ nỗ lực hết mình để công ty hoạt động ổn định, mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông. Báo cáo tài chính của công ty cho thấy sức khỏe tài chính rất tốt, không có áp lực về nợ phải trả, đó là tín hiệu đáng mừng, và tôi tin doanh nghiệp sẽ ổn định trở lại trong thời gian ngắn“, ông Cường cam kết.
CEO này cũng cho biết công ty đã nhận nhiều lời động viên, chia sẻ từ cổ đông, đối tác, ngân hàng sau khi gặp vụ việc.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc QCGL sẽ có những động thái về pháp lý tiếp theo với Sunny – công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát trong dự án Phước Kiển – Nhà Bè, CEO Nguyễn Quốc Cường cho rằng đây là dự án rất lớn, được cổ đông, đối tác quan tâm. Hiện công ty đã trả khoảng 1.400 tỷ đồng cho Sunny và khi trả đủ số tiền hơn 2.880 tỷ đồng thì QCG sẽ nhận lại đủ hồ sơ pháp lý của dự án.
Theo ông Cường, may mắn trong vụ việc này là hồ sơ liên quan đến toàn bộ 65 ha đất cơ quan điều tra đã kê biên phục vụ điều tra, không thế chấp cho bất cứ khoản vay nào liên quan đến Vạn Thịnh Phát, nên khi hoàn tất thủ tục pháp lý, QCGL sẽ được nhận lại và tiến hành đầu tư, hoặc tìm đối tác đồng hành thực hiện.
“Điều quan trọng là chúng ta phải lo nguồn tiền để trả cho phía Sunny. Ban điều hành cũng đã sẵn sàng tinh thần trả lại đủ số tiền. Chúng tôi sẽ bán 3 dự án thủy điện, nếu chưa đủ thì có thể tính toán thoái vốn tiếp ở các dự án khác để hoàn tất vụ việc“, ông Cường nói.
Tháng 5 vừa qua, QCGL đã công bố Nghị quyết về việc chuyển nhượng dự án và các tài sản khác thuộc dự án Nhà máy Thủy điện Iagrai 2 (Gia Lai) và Nhà máy Thủy điện Ayun Trung (Gia Lai). Mục đích chuyển nhượng nhằm tái cơ cấu đầu tư. Tổng giá trị chuyển nhượng là 615 tỷ đồng.
Ông Cường nói việc chuyển nhượng 3 dự án thủy điện đang trong quá trình thương thảo với đối tác, dự kiến hoàn thành vào năm nay.
Về tình hình kinh doanh 2024, CEO Nguyễn Quốc Cường cho rằng Luật đất đai mới có hiệu lực ngày 1/8 sẽ có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng cũng không ít khó khăn vì nghĩa vụ tài chính với các dự án bất động sản sẽ tăng mạnh. May mắn là các dự án của doanh nghiệp đang triển khai phần lớn đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên tính cạnh tranh với các dự án sẽ rất cao.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, tăng đến 20 lần năm trước. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu dự án Marina Đà Nẵng kịp bán hàng trong quý IV. Đồng thời, công ty đưa vào khai thác 6 tầng thương mại dự án Giai Việt (Quận 8, TP.HCM) và tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án.
Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai cũng lên kế hoạch có nguồn thu từ mủ cao su, hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, có tính khả thi cao và cơ cấu lại, chuyển nhượng hàng tồn kho tại các dự án.
Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, giảm khoảng 3 lần so với năm trước và là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng khoảng 10 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi mục tiêu đầu năm cổ đông đặt ra với doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng.
Quý đầu năm nay, Quốc Cường Gia Lai cũng mới đạt doanh thu gần 39 tỷ đồng, giảm đến 76% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ gần 1,4 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai hiện ghi nhận tổng nợ phải trả 5.236 tỷ đồng, trong đó, có 2.883 tỷ đồng tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển, còn lại là các dự án khác.
Hàng tồn kho còn tương đương đến 7.036 tỷ đồng, chiếm tới 73% tổng tài sản. Trong đó, trên 6.531 tỷ đồng là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất và các chi phí liên quan đến thực hiện dự án.
Liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử buộc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ 2.883 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan, trong vụ chuyển nhượng dự án Phước Kiển.
Đồng thời, Hội đồng xét xử tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo nghĩa vụ của công ty. Hơn 15 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM tiếp tục bị kê biên để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng kê biên 475 bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai bao gồm 301 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 21 hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thuộc dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển cùng 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng tuyên nếu Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn đủ 2.883 tỷ đồng sẽ được nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.