Mới đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý với thành phố. Theo đó, ông Châu đánh giá dự thảo bảng giá đất có những tác động tích cực, như có lợi cho người dân có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng hơn với số tiền được bồi thường sẽ cao hơn trước đây.
Ví dụ trường hợp bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 cho một số vị trí đất tại huyện Hóc Môn thì hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất chỉ là 38 lần bảng giá đất thì nay có vị trí đất tại huyện Hóc Môn có mức giá đất cao gấp 51 lần bảng giá đất ban hành theo quyết định số 02/2020/QĐ-UBND.
Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất cũng sẽ tăng thêm trong thời gian tới, so với giai đoạn 2005 – 2022 thì nguồn thu từ đất chỉ chiếm 13,16% tổng thu ngân sách nội địa. Chênh lệch địa tô được xử lý thỏa đáng hơn theo nguyên tắc Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
Bởi lẽ hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập như “đất hai giá” hoặc mua bán chuyển nhượng, cho thuê bất động sản, nhà ở “hai giá” (hợp đồng khai thuế thấp hơn hợp đồng giao dịch thực) hoặc người sử dụng đất thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước có giá trị thấp hơn, do giá đất của bảng giá đất trước đây thường chỉ bằng trên dưới 30% giá thị trường.
Do đó, dự thảo bảng giá đất sẽ tác động theo hướng bảo đảm sự công bằng, hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng. Giá đất của dự thảo bảng giá đất không tác động đến việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
Bởi lẽ, các dự án này không áp dụng bảng giá đất, mà chủ yếu là áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 nhưng sẽ có tác động đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, do người sử dụng đất sẽ có xu thế đòi bồi thường cao hơn trước đây.
Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA kiến nghị chưa nên ban hành dự thảo bảng giá đất thời điểm này. Bởi bảng giá đất do UBND thành phố ban hành theo Luật Đất đai 2013 có thể tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Thay vào đó, thành phố nên xây dựng, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất lần đầu để áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Ông Châu cho rằng, mức giá của dự thảo bảng giá đất sẽ có tác động rất lớn đến rất nhiều cá nhân, hộ gia đình khi đề xuất cấp sổ đỏ do phải nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất cao hơn trước đây (dù khoản 3 Điều 135 Luật Đất đai 2024 có quy định trường hợp người sử dụng đất được ghi nợ nghĩa vụ tài chính).
Tuy nhiên, trong thời gian còn nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất bị hạn chế nhiều quyền như không được thế chấp, không được mua bán chuyển nhượng cho đến khi trả xong khoản nợ tiền sử dụng đất.
Mức giá của dự thảo bảng giá đất còn có tác động đến chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trước hết là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ bị đẩy lên cao hơn, tác động dây chuyền làm tăng giá nhà, giá thuê nhà, tăng chi phí tiền thuê đất, thuê nhà xưởng… dẫn đến việc có thể làm tăng giá cả hàng hóa và tác động bất lợi đến cả các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, HoREA đề xuất TP.HCM tiếp tục đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất lần đầu đối với các đối tượng chịu tác động. Thứ nhất là đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với người sử dụng đất của hơn 13.000 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc cần hợp thức hóa quyền sử dụng các diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư đô thị ổn định gắn liền với nhà ở hiện hữu.
Thứ hai là đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nhu cầu đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị, công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.