Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Điều kiện về năng lực kinh nghiệm khi đấu thầu liệu có đang làm khó doanh nghiệp?

-

Một số quy định mới về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất được đánh giá chưa phù hợp với thực tiễn. Nếu được thông qua sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đặc biệt tại các dự án có quy mô sử dụng đất lớn.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất và Thông tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (gọi tắt là Dự thảo Thông tư). 

Thông tư này, bao gồm 11 Phụ lục, nhằm thay thế Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện hành.Dự thảo Thông tư hiện đang có một số nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm và kiến nghị điều chỉnh. Đó là quy định liên quan đến điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với các dự án sử dụng đất. Theo giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, nếu quy định này được thông qua sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đặc biệt tại các dự án có quy mô sử dụng đất lớn.

Khó đạt “quy mô vốn tối thiểu”

Cụ thể, về kinh nghiệm thực hiện dự án, Luật Đấu thầu quy định kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư. Các Phụ lục từ I đến VII, Bảng số 1 của Dự thảo thông tư có quy định: Các dự án đầu tư kinh doanh tương tự phải có tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu thông thường trong khoảng 50% – 70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đặt ra quy định về quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư làm hạn chế các nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án. Đối với các dự án quy mô nhỏ, quy định này có thể không có nhiều tác động vì thường sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng. Tuy nhiên, đối với những dự án quy mô lớn, việc tìm được các nhà đầu tư có kinh nghiệm dự án tương tự quy mô vốn 50% là điều tương đối khó khăn.

VCCI đưa ra dẫn chứng, trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải dự án lên đến hơn 80.000 tỷ đồng. Theo quy định này, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án từ 40.000 tỷ đến 56.000 tỷ đồng trở lên thì mới được tham gia thầu. Như vậy chỉ có một số rất ít doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh tại Điều 6 và Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023. Thêm vào đó, quy định này rất bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam khi phải cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm hơn, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án lớn sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài thay vì doanh nghiệp trong nước.

“Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu sao cho tăng sự cạnh tranh. OECD khuyến nghị không nên xây dựng các tiêu chí đấu thầu ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm hoặc gây ra sự khó khăn không cần thiết đối với nhà thầu mới. Do đó, việc đưa yếu tố quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc”, VCCI nhấn mạnh.

Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với các dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm tham gia đấu thầu như sau: Cân nhắc việc bỏ giới hạn dưới (mức sàn) mà chỉ quy định về giới hạn trên (mức trần) của quy mô dự án tương tự. Theo đó, các cơ quan mời thầu có quyền chủ động đưa ra điều kiện kinh nghiệm về quy mô dự án tương tự nhưng không được vượt quá ngưỡng quy định trong Thông tư này. Trong trường hợp không bỏ mức giới hạn dưới thì có thể quy định mức này thấp hơn, từ 0% đến 20% tuỳ loại dự án. Giảm mức giới hạn trên xuống, tối đa chỉ là 50% giá trị dự án đang xét, để tăng cơ hội tham gia thầu của nhiều nhà đầu tư hơn.

Không nên quy định chứng minh vốn chủ sở hữu

Dự thảo Thông tư quy định Nhà đầu tư phải có góp vốn chủ sở hữu vào dự án tương tự trước đây thực hiện với giá trị tối thiểu, thông thường trong khoảng 50%-70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét. Trên thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc xác định thông tin này khá mất thời gian trên hệ thống kế toán. Các doanh nghiệp thường không thể tự báo cáo mà phải làm thêm các thủ tục như thuê kiểm toán để có bên thứ ba xác nhận. Điều này khiến việc chuẩn bị hồ sơ thầu mất nhiều thời gian và có thể lỡ thời hạn nộp hồ sơ dự thầu.

Trong pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng có quy định tương tự về đánh giá vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, dao động từ 15% đến 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét, tùy vào diện tích đất của dự án. Theo đó, đối với diện tích đất trên 20 ha thì nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí vốn chủ sở hữu bằng 15% tổng mức đầu tư của dự án đang xét; và đối với dự án dưới 20ha thì nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí vốn chủ sở hữu bằng 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét.

Đây là tiêu chí đánh giá năng lực của nhà đầu tư được thực hiện ổn định từ trước đến nay và đảm bảo năng lực tài chính của nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Do vậy, việc không quy định chứng minh vốn chủ sở hữu đã góp của nhà đầu tư đối với dự án trước đây là có cơ sở và không tạo thêm rào cản về thủ tục hành chính. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không quy định việc chứng minh vốn chủ sở hữu đã góp của nhà đầu tư đối với dự án trước đây.

Ở một góc nhìn khác, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tiêu chí năng lực kinh nghiệm chỉ chiếm 20-30% tổng số điểm. Tổng điểm tối thiểu để đạt đủ điều kiện là 70%, như vậy, nếu không cần đạt tiêu chí năng lực kinh nghiệm theo quy định của pháp luật đấu thầu mà chỉ cần đạt các tiêu chí khác thì nhà đầu tư vẫn có thể đạt mức tối thiểu 70%. Tuy nhiên, nếu đạt đủ các tiêu chí khác mà không đạt tiêu chí về năng lực kinh nghiệm thì cũng không được chọn. Giới chuyên gia cho rằng, không nên đánh giá năng lực kinh nghiệm bằng những con số quá cao về tỷ lệ vốn góp, tổng vốn đầu tư, vô hình trung tạo “rào cản” cho doanh nghiệp lớn.

Như quan điểm của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các quy định mới trong Dự thảo Thông tư chưa phù hợp với thực tiễn, bởi khi triển khai các dự án lớn rất cần những nhà đầu tư có kinh nghiệm xây dựng, phát triển. “Quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định hướng dẫn thi hành ngày càng hướng tới tiêu chí hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát triển bền vững, tiêu chí môi trường, hiệu quả xã hội và hiệu quả sử dụng đất. Do vậy, cần ưu tiên những chủ đầu tư có kinh nghiệm”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, các quy định mới của pháp luật cần góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, tạo nên sân chơi cạnh tranh minh bạch. Từ đó, thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nội lực, có khát vọng, có kinh nghiệm tham gia bình đẳng vào mọi dự án quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần xem xét thấu đáo, điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tiễn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories