Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

TP.HCM sẽ tổng hợp ý kiến để xem xét thời gian áp dụng bảng giá đất mới

-

Sở TN&MT TP.HCM cho biết sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp để cùng các sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP.HCM xem xét, quyết định thời gian áp dụng bảng giá đất mới.

Chiều 12/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Toàn Thắng cho biết, dự thảo có nhiều điểm tích cực, là kết quả của quá trình khảo sát chặt chẽ. Dù vậy, sau hội nghị này, Sở sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp để cùng các sở, ngành liên quan tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM xem xét, quyết định thời gian áp dụng.

Trước đó, bày tỏ quan điểm của mình, luật sư Nguyễn Văn Hậu – thành viên Hội đồng tư vấn đề Dân chủ – Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho rằng, dự thảo chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Bảng giá đất điều chỉnh phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Ở góc độ người dân và doanh nghiệp, nội dung đưa ra chưa phù hợp và tạo áp lực tài chính. Do đó, thành phố cần cân nhắc thời điểm ban hành quyết định thay thế quyết định 02/2020.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng.

 Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng.

Theo luật sư Hậu, nhiều gia đình qua các thế hệ ở huyện Bình Chánh, Củ Chi vẫn chưa đủ tiền để tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để chia cho con. Nếu theo dự thảo, nhiều nơi giá đất tăng hàng chục lần sẽ gây khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, giá đất tăng, chi phí đầu tư tăng lên, sẽ “bóp nghẹt” động lực đầu tư dự án của doanh nghiệp, làm nhà đầu tư chùn chân. Giá đất tăng kéo theo chi phí bồi thường cao, làm dự án đầu tư công, tư, chi phí đầu vào đều tăng, tạo sức ép tăng giá đất.

“Sau đó là tăng giá cả hàng hóa, tác động bất lợi tới dự án nhà ở xã hội khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất làm dự án. Vì vậy, cần thêm thời gian điều chỉnh, đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện bảng giá đất mới”, luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị.

Còn theo luật sư Trương Thị Hòa, người sử dụng đất cần có thời gian thích ứng với giá đất theo quy định mới của Luật Đất đai 2024, khuynh hướng tăng giá đất phù hợp với giá thị trường. Bên cạnh đó, cần điều tra, khảo sát thực tế trước khi ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Để các gia đình có liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai không bị áp lực, luật sư Hòa đề nghị UBND TP thực hiện theo Điều 257 khoản 1 Luật đất đai 2024 để bảng giá đất cũ được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 nên được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Sở TN&MT TP.HCM nên tập trung xây dựng bảng giá đất lần đầu để công bố, áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 và tại phần đầu của khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Ông Châu cũng phân tích tác động tích cực của dự thảo bảng giá đất. Cụ thể, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất sẽ tăng thêm, hạn chế các tình trạng “đất 2 giá”, đảm bảo công bằng, hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng.

Tuy nhiên, dự thảo điều chỉnh đã tác động không mong muốn đối với cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận hoặc xin tách thửa đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở thì phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn nhiều lần so với trước đây.

TP.HCM sẽ tổng hợp ý kiến để xem xét thời gian áp dụng bảng giá đất mới.

TP.HCM sẽ tổng hợp ý kiến để xem xét thời gian áp dụng bảng giá đất mới.

Ông Trần Đình Trữ – Phó chánh Thanh tra TP.HCM cũng đề nghị, Sở TN&MT cần cân nhắc tiếp thu các ý kiến của sở, ngành và các đại biểu tại buổi phản biện.

“Sở cần tính toán lộ trình hài hòa hơn, chia sẻ các mức, các mốc thời gian áp dụng phù hợp để đảm bảo nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, nhưng cũng cần thời gian để người thực hiện nghĩa vụ chuẩn bị khả năng thực hiện”, Phó chánh Thanh tra TP.HCM nói.

Bộ Tài chính: Bảng giá đất cũ được tiếp tục áp dụng đến năm 2025

Bộ Tài chính vừa có công văn số 8288 gửi các bộ ngành, các địa phương hướng dẫn triển khai các quy định tại luật Đất đai 2024 liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong đó, một nội dung được quan tâm là vấn đề xử lý chuyển tiếp áp dụng bảng giá đất. Bộ Tài chính khẳng định: Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng gía đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Trình tự điều chỉnh bảng giá đất nếu có sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất (Nghị định 71). Theo đó, Sở TN&MT lựa chọn một tổ chức thực hiện định giá đất để xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trường hợp tại thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nào tham dự thì được gia hạn 1 lần. Sau khi gia hạn mà không lựa chọn được nhà thầu, Sở TN&MT giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất.

Tiếp đó, tổ chức thực hiện định giá đất tiến hành điều chỉnh bảng giá đất theo Điều 14 của Nghị định 71.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories