Chia sẻ tại một Hội thảo diễn ra mới đây, TS Nguyễn Văn Đính cho biết: “Theo dữ liệu nghiên cứu và đo lường từ Hội Môi giới, chúng tôi khẳng định lực cầu trong dân rất mạnh, không chỉ cầu về nhà ở mà còn cầu về đầu tư cũng rất lớn. Trong đó, kênh bất động sản được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm”.
Điều này đã thể hiện rõ rệt qua phiên đấu giá “chảo lửa” tại Thanh Oai, Hà Nội diễn ra vào ngày 10/8 vừa qua và đang tạo ra dư luận rất lớn trên thị trường bất động sản. Bởi nếu nhìn vào bối cảnh, phiên đấu giá này được thực hiện ngay sau khi các Luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực.
Vị chuyên gia còn chia sẻ thêm, giai đoạn từ 2022-2023, đất đấu giá gần như ế ẩm, ít người quan tâm, thế nhưng chỉ 68 thửa đất tại Thanh Oai vừa qua đã tạo ra những con số “kỷ lục”, thu hút hàng nghìn người tham gia. Giá đất đai ở một số khu vực đó cũng tăng lên rất nhiều lần.
“Hơn nữa, nhà đầu tư cũng đã chờ đợi khá lâu các dự án, khu vực đất đai có đầy đủ pháp lý như là đất đấu giá. Điều này cho thấy nguồn cung rất ít ỏi, còn cầu thì rất là lớn, có hiện tượng cung tăng là nhà đầu tư lao vào”, ông Đính cho hay.
Không chỉ huyện Thanh Oai, ghi nhận từ đầu năm đến nay, liên tục diễn ra các buổi đấu giá thành công, thu hút số lượng lớn hồ sơ đăng ký và người tham gia. Đây đều là những lô đất, thửa đất ven Hà Nội hoặc gần trung tâm các thành phố, đô thị phát triển.
Hay cách đây không lâu, vào cuối tháng 4, dự án căn hộ Lumi (do CapitaLand phát triển) cũng đã gây “sốt” thị trường bất động sản Hà Nội khi thu hút hàng nghìn người quan tâm, đổ xô đến Trung tâm Hội nghị quốc gia xếp hàng. Chỉ trong 4 giờ đồng hồ, toàn bộ hơn 2.000 căn hộ tại Lumi Hanoi đã được “khớp căn'”. Trong khi, dự án này có giá bán lên tới 70 – 90 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các dự án lân cận, lại thuộc một vị trí không nằm trong trung tâm thành phố.
Điều này chứng tỏ, nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân hiện nay là rất lớn. Như ông Lê Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từng nói: “Với phân khúc nhà ở, không chỉ khó khăn vì nguồn cung không đủ cầu, mà nhiều người “không thiếu nhà ở” nhưng lại cũng muốn tham gia đầu tư cho nên dẫn đến tình trạng thiếu”.
Bất động sản khu công nghiệp hay các loại bất động sản khác thì không phải ai cũng đầu tư được, vì phải là những nhà đầu tư lớn mới có thể tham gia. Còn đối với nhà ở, cá nhân cũng tham gia được, ai cũng muốn mua, ai cũng muốn đầu tư vào đó, dẫn đến bị đẩy giá lên và gây nên những khó khăn cho thị trường, ông Bình giải thích thêm.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề chung của toàn thị trường nên chúng ta phải chấp nhận cả những người mua để dùng và mua để đầu tư. Nhưng cần hướng đến những người có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa có nhà ở thì nhà nước phải đáp ứng nhu cầu này cho họ”, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai nhận định.
Theo dữ liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 của Batdongsan.com.vn cho biết, hầu hết các kênh đầu tư ghi nhận dấu hiệu tích cực so với năm 2023. Trong đó, bất động sản vẫn là kênh có lợi suất đầu tư cao nhất.
Dữ liệu của đơn vị này cho biết, tính đến tháng 6/2024, giá rao bán trung bình của bất động sản tăng 24% so với đầu năm 2023. Trong khi đó VNIndex, thể hiện biến động giá cổ phiếu, tăng 19%, giá vàng SJC tăng 17%, tỷ giá USD tăng 8%.
Điển hình tại Hà Nội – một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng giá bất động sản, ghi nhận giá rao bán nhà riêng tăng 32% so với đầu năm 2023; chung cư tăng 31%; đất, biệt thự, nhà phố cũng tăng từ 10-19%. Giá rao bán bất động sản TP.HCM thì gần như đi ngang trong một năm rưỡi qua, ngoại trừ chung cư tăng giá nhẹ 6%, các loại hình còn lại đều giữ nguyên mặt bằng giá.