Thứ tư, Tháng Một 15, 2025

Gia Lai: Lô đất trúng đấu giá 4,2 tỷ đồng được chuyển nhượng chỉ 50 triệu đồng

-

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 24 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở Gia Lai có 373 lô đất có dấu hiệu bất thường. Cá biệt, có lô trúng đấu giá 4,2 tỷ đồng nhưng chuyển nhượng với giá chỉ 50 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận số 263 (ngày 19/7) về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh này.

Kết luận số 263 chỉ rõ nhiều sai phạm trên địa bàn tỉnh Gia Lai , trong đó đáng chú là việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh này.

Gia Lai: Lô đất trúng đấu giá 4,2 tỷ đồng được chuyển nhượng chỉ 50 triệu đồng- Ảnh 1.

Dự án Khu quy hoạch trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê

Giao đất không qua đấu giá

Kiểm tra một số hồ sơ giao đất không thông qua đấu giá của 7 đơn vị, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm. Đơn cử, thời điểm năm 2016 UBND TP.Pleiku giao đất không thông qua đấu giá 121 trường hợp tại phường Thắng Lợi; 44/121 trường hợp đã chuyển nhượng sau khi được giao đất, trong đó cơ quan thuế xác định giá trị đất để tính thuế phí thấp hơn giá đất được giao theo các quyết định giao đất là 934 triệu đồng.

Cơ quan thanh tra chỉ rõ, việc giao đất không thông qua đấu giá 121 trường hợp không đúng quy định, làm giảm thu ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng. Theo giải trình của UBND tỉnh Gia Lai, việc giao đất và hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất giữa giá đất năm 2016 và năm 2013 cho 116 trường hợp xã viên hợp tác xã (8,2 tỷ đồng) đã được Thường trực Tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh thống nhất, nhằm ngăn chặn khiếu kiện tập thể.

Không những vậy, qua kiểm tra đối với 57 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá tại 6 huyện, thị xã phát hiện khi giao đất nhưng không có biên bản giao đất trên thực địa hoặc quyết định giao đất; không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện sử dụng đất, cho thuê đất hoặc giao đất không có trích lục bản đồ địa chính thửa đất; giao đất không thông qua đấu giá, vi phạm điểm g, khoản 1, Điều 118 Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, kiểm tra trình tự, thủ tục 24 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đai các khu đất thuộc 9 đơn vị cấp huyện phát hiện không có trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất; không đăng thông báo hoặc đăng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá chưa đảm bảo quy định; không tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho các hộ trúng đấu giá, quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất…

Sai phạm điển hình là việc đấu giá quyền sử dụng đất năm 2019 tại dự án Khu quy hoạch trung tâm hành chính và Khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê).

Theo đó, bà Hồ Thị Hiền trúng đấu giá 107 lô đất (83 tỷ đồng), ông Nguyễn Xuân Ánh trúng đấu giá 44 lô đất (30,1 tỷ đồng), ông Lê Viết Đức trúng đấu giá 54 lô đất (39 tỷ đồng) nhưng nộp tiền trúng đấu giá chậm so với quy định (từ 20 đến 300 ngày).

Theo Thanh tra, UBND huyện Chư Sê thời điểm này đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, phát hiện sai phạm, không hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc (hơn 15,1 tỷ đồng) nộp về ngân sách; cho phép gia hạn thời gian nộp tiền trúng đấu giá sai quy định tại quy chế đấu giá và phương án đấu giá. Tại thời điểm thanh tra, có nhiều lô đất đã được chuyển nhượng cho các hộ gia đình, cá nhân khác.

Gia Lai: Lô đất trúng đấu giá 4,2 tỷ đồng được chuyển nhượng chỉ 50 triệu đồng- Ảnh 2.

Một cuộc đấu giá ở Gia Lai

Để một cá nhân trúng nhiều lô đất

Đặc biệt, theo số liệu báo cáo 9/17 đơn vị cấp huyện thấy hầu hết các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, có hiện tượng một số người trúng đấu giá hàng trăm lô đất, sau khi trúng đấu giá, đất để hoang hóa, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Cụ thể, tại 24 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai, có 373 lô đất có dấu hiệu bất thường. Trong đó, hàng trăm lô đất trúng đấu giá với giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng giá chuyển nhượng chỉ từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng. Cá biệt, có lô đất trúng đấu giá 4,2 tỷ đồng nhưng lại được chuyển nhượng với giá chỉ 50 triệu đồng.

Hành vi kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có dấu hiệu kê khai không trung thực (các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuế không kịp thời tham mưu, xử lý theo thẩm quyền), gây nguy cơ làm giảm thu ngân sách nhà nước số tiền thuế, phí do kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá của 373 lô đất, chênh lệch giảm 98 tỷ đồng (tổng giá trị trúng đấu giá là 144 tỷ đồng, tổng giá trị kê khai chuyển nhượng 46 tỷ đồng).

Liên quan tới vụ việc này, theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai cần chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan khác rà soát đối với 373 trường hợp trên để xác định tính trung thực, chính xác trong hồ sơ khai thuế của người nộp thuế nhằm chống thất thu thuế. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã, theo báo cáo của các đơn vị được kiểm tra, năm 2018-2019 có tổng số 2.122 trường hợp không đủ điều kiện tách thửa sau khi chuyển mục đích nhưng được UBND các huyện, thị xã, thành phố cho chuyển mục đích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở đô thị là không đúng quy định.

Đáng nói, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố chậm thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6.159 hồ sơ là vi phạm quy định.

Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành 308 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 5.752 ha. Qua thanh tra điểm đối với 11 hồ sơ dự án và việc quản lý sử dụng đất trước, trong và sau cổ phần hoá của 3 công ty, cơ quan thanh tra phát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Cụ thể, thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, bàn giao đất trên thực địa; cho thuê đất để thực hiện dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ban hành quyết định tạm giao đất không đúng thẩm quyền, không thu hồi đất bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định; không yêu cầu các đơn vị nộp số tiền bằng 20% giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án chậm tiến độ nhưng không thu hồi tiền ký quỹ, chấm dứt thực hiện dự án, thu hồi đất theo quy định…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories