Du lịch Đà Nẵng phải liên tục đổi mới để cạnh tranh toàn cầu
Theo Tổng cục Du lịch, 7 tháng 2024, du lịch Đà Nẵng đón tin vui khi đạt tổng lượng khách cơ sở lưu trú 6,6 triệu lượt, tăng 33% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt, tăng 34,7%; khách trong nước đạt 4,2 triệu lượt, tăng gần 32%. Dự báo 2024, khách quốc tế đến Đà Nẵng có thể đạt con số tương đương thời điểm trước dịch (3,5 triệu lượt).
Nhìn về sự phát triển của du lịch Đà Nẵng, không thể phủ nhận đây là một trong những “thủ phủ” du lịch vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ từ sau đại dịch Covid-19. Giữ được tốc độ tăng trưởng như vậy là bởi Đà Nẵng là một thành phố du lịch phát triển bài bản bậc nhất Việt Nam. Nguyên nhân là ở chỗ từ đầu, Đà Nẵng đã mời gọi được doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch theo hướng khác biệt ở đẳng cấp cao.
Tuy nhiên, để vượt lên trong cuộc cạnh tranh điểm đến toàn cầu, theo các chuyên gia Đà Nẵng cần có cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, giữ chân các nhà đầu tư lớn có tầm, từ đó tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đa dạng hóa trải nghiệm, kiến tạo những công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp cao, độc đáo, riêng có để định vị thương hiệu…
Bàn về vấn đề này PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng cho rằng, Đà Nẵng đã định hình được chuẩn mực làm du lịch bài bản. Đó là tạo sự khác biệt, hướng tới đẳng cấp cao từ đầu, gắn với lợi thế có sẵn. Đà Nẵng đã có hàng loạt sản phẩm du lịch “tạo khác biệt” như Bà Nà Hills, với Cầu Vàng gây ấn tượng đặc biệt mạnh trên toàn cầu. Đà Nẵng cũng liên tục sáng tạo các sản phẩm du lịch mới. Đó là du lịch đêm, tiêu biểu là chợ đêm, nhiều show diễn mới hấp dẫn, đặc biệt.
“Trong tương lai, du lịch Đà Nẵng sẽ cộng hưởng thêm sức mạnh của Khu Thương mại tự do, có thêm động lực phát triển mới và khác, để trở thành điểm đến có sức hấp dẫn vượt trội, cả về du lịch, thương mại, đầu tư. Với những chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi cho thương mại tự do, chắc chắn cánh cửa Đà Nẵng sẽ rộng mở để cả du khách, giới đầu tư, giới thượng lưu, trí thức đến làm việc, đầu tư và sinh sống”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Thực tế, Đà Nẵng đến nay vẫn được đánh giá là hình mẫu bứt phá du lịch. Dẫu vậy, trong bối cảnh mới với sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu và xu hướng du lịch toàn cầu trong thời gian tới… sẽ là những thách thức không nhỏ nếu Đà Nẵng không có đột phá, thậm chí dẫn tới nguy cơ tụt hậu. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng muốn có được sự phát triển bứt phá Đà Nẵng cần có những chính sách ưu tiên phát triển, để những doanh nghiệp lớn đồng hành phát triển lâu dài.
“Thành phố Đà Nẵng được quy hoạch để có những khu du lịch đẳng cấp thế giới. Trên cơ sở tài nguyên, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ đang có, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng phải kêu gọi, có được sự đồng hành của các nhà đầu tư đủ tầm, đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ tư duy để hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ nổi bật, đột phá… Đây cũng là cách để hướng tới sự phát triển bền vững cho Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định.
Nhìn nhận thêm về các sản phẩm du lịch mới, ông Dũng cho rằng: “Điểm đến là buộc phải có mới, nhưng chúng ta phải trên cơ sở tổng thể thị trường. Đối với các thị trường mới thì hoàn toàn có thể sử dụng những sản phẩm đang có. Đối với những thị trường lặp lại thì chúng ta phải có sản phẩm mới, nhưng mới không đồng nghĩa buộc phải tạo ra cái mới hoàn toàn mà có thể làm mới cái cũ. Như Bà Nà Hills hay là Da Nang Downtown chẳng hạn, đó là những điển hình luôn có sự đột phá và mới mẻ. Trên cơ sở tài nguyên, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ đang có, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng phải kêu gọi, có được sự đồng hành của các nhà đầu tư đủ tầm, đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ tư duy để hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ nổi bật, đột phá theo quy hoạch đó”.
Theo ông Dũng, nhà đầu tư lớn sẽ có những cam kết rất chắc chắn và luôn luôn phải phải bảo vệ thương hiệu. “Khi mà họ vận hành cả một chuỗi các điểm đến thì không thể nào làm mất hình ảnh được. Còn nếu như giao cho một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thì phải thành công, họ mới làm tiếp; không thành công, họ bỏ ngang giữa chừng. Cho nên, chúng tôi vẫn ủng hộ những “sếu đầu đàn”, “đại bàng” lớn có cam kết đồng hành dài hạn để tạo ra được những dự án đẳng cấp, nâng tầm thương hiệu điểm đến, tạo ra nhiều giá trị kinh tế – xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi. Và đó chính là những yếu tố tạo nên sự phát triển du lịch bền vững cho mỗi địa phương”, ông Dũng nói thêm.
Thiên nhiên là tài nguyên “hạng nhất” thì Đà Nẵng phải làm du lịch đẳng cấp tương xứng
Đánh giá về sự phát triển của du lịch Đà Nẵng thời gian qua, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia cho rằng: “Hiện nay Đà Nẵng chưa phát triển đến điểm cực đại đối với những sản phẩm du lịch hiện tại. Dư địa để du lịch Đà nẵng hút khách thì vẫn còn nhưng theo quy hoạch trong du lịch, mỗi điểm đến hay là mỗi sản phẩm đều có vòng đời của nó. Đà Nẵng phải xác định rất rõ các đỉnh điểm – cực điểm của cái vòng đời đấy ở đâu để chuẩn bị sẵn các phương án để tiếp tục đầu tư: Nâng cấp các sản phẩm cũ hoặc đầu tư phát triển các sản phẩm mới để vòng đời du lịch tiếp tục được nới rộng ra. Đấy là quy luật!”.
“Làm du lịch thế nào để cân bằng lợi ích, cân bằng giữa mục tiêu phát triển và mục tiêu phát huy giá trị thiên nhiên là điều cần quan tâm. Chúng ta không bao giờ đánh đổi cho một sự phát triển ngắn hạn mà phải có tầm nhìn trong dài hạn. Ví dụ như phát triển Bà Nà Hills, chúng ta chắc chắn không có mặt bằng để xây dựng nên một khu du lịch đẳng cấp như hiện tại nếu như không đánh đổi một số diện tích nhất định. Đó là sự chuyển đổi cần thiết, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng và thực tế đã chứng minh hiệu quả”, PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết.
Bàn thêm về vấn đề phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn thiên thiên, trước đó PGS.TS Trần Đình Thiên từng cho rằng không thể có sự phát triển nếu không đánh đổi, muốn có nền du lịch “đáng đến và đáng sống” phải dụng tâm, dụng công và dụng trí. Trước hết, phải hiểu đúng khái niệm “đánh đổi” – tổng thể, tích cực, không bị phiến diện và cực đoan. Trong thời gian qua, thực tế nhiều địa phương cho thấy việc mạnh dạn “đánh đổi” đã mang lại những kết quả phát triển tích cực rõ ràng.
“Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Cách đây 30 năm, bãi biển Mỹ Khê hầu như không có người ở. Nhưng giờ đây thì sao? Bãi biển Mỹ Khê được thế giới biết đến là một trong vài chục bãi biển đẹp nhất hành tinh. Mỗi năm, hàng triệu du khách đến đây để khám phá và tận hưởng. Giá trị đất ở đây tăng hàng trăm, hàng ngàn lần. Muốn có được điều đó, phải đánh đổi bằng một phần tài nguyên thiên nhiên, không thể khác. Bà Nà ngày xưa làm gì có ai đến du lịch. Còn bây giờ, một ngày có hàng chục ngàn người đến, trả tiền để thỏa mãn nhu cầu. Một địa chỉ du lịch nổi tiếng, có cầu “Bàn tay” đẹp mê hoặc, có sức hút khách lạ lùng. Tôi tự hỏi: Nếu không có Bà Nà đó, du lịch thì Đà Nẵng sẽ thế nào”, ông Thiên khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia cũng cho rằng du lịch Việt Nam đi sau và muốn đi nhanh chúng ta phải dựa vào tài nguyên du lịch nhưng trên cơ sở phát triển bền vững. Làm du lịch, Việt Nam cần định hướng rõ từ đầu là phải làm du lịch đẳng cấp để việc hưởng thụ và trả tiền cho việc hưởng thụ đó sòng phẳng, bù lại đúng mức sự hao phí tài nguyên, giữ được nền tảng cho sự phát triển tương lai. Theo nguyên tắc đó, tài nguyên du lịch của Việt Nam là loại tài nguyên “hạng nhất” thì Việt Nam phải làm du lịch đẳng cấp tương xứng.