Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

TP HCM dự kiến giữ nguyên hạn mức đất ở

-

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa đề xuất giữ nguyên hạn mức đất ở – không phải đóng tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích – với các hộ, cá nhân.

Nội dung vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP HCM. Đề xuất này áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 trên địa bàn thành phố.

Đất ở là diện tích được sử dụng cho xây dựng nhà, công trình phục vụ đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng thửa. Hạn mức đất ở được đưa ra để cơ quan quản lý dựa vào đó công nhận quyền sử dụng, giao đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Mỗi tỉnh, thành phố có hạn mức đất ở khác nhau. Đối với đất thuộc hạn mức đất ở được công nhận thì hộ gia đình, cá nhân sẽ không phải nộp tiền sử dụng.

Theo tờ trình mới nhất này, thành phố sẽ có 4 hạn mức đất ở. Cụ thể, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú có hạn mức đất ở được công nhận không quá 160 m2 mỗi hộ, cá nhân. Các quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức và thị trấn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chỉ, Nhà Bè hạn mức không quá 200 m2. Khu quy hoạch phát triển đô thị tại các xã thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 250 m2. Các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở được đề xuất không quá 300 m2 mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Như vậy trong tờ trình lần này, Sở đã giữ nguyên hạn mức đất ở tại TP HCM áp dụng theo Quyết định số 18/2016 đang có hiệu lực, thay vì giảm như dự thảo trước đó.

Quy định này được hiểu như sau. Ví dụ, hộ ông A đang sở hữu 500 m2 đất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993 tại TP Thủ Đức (hoặc quận 7, 12, Bình Tân), thì được chuyển đổi tối đa 200 m2 nông nghiệp sang thổ cư không phải đóng thuế. Tương tự, với các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… diện tích đất này sẽ được giữ nguyên 300 m2.

Với phần đất ngoài định mức, nếu người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn được nhưng sẽ phải đóng thêm khoản thuế, phí cho phần đất này bằng cách lấy bảng giá đất nhân với hệ số K.

  • Bất động sản khu Nam TP HCM, đoạn qua huyện Nhà Bè, tháng 7/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Lý giải việc giữ nguyên 4 hạn mức công nhận đất ở, Sở Tài nguyên và Môi Trường TP HCM cho biết việc tiếp tục duy trì hạn mức như hiện tại sẽ tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp giữa người sử dụng đất được công nhận hạn mức trước và sau thời điểm ban hành quyết định mới. Ngoài ra giữ nguyên 4 hạn mức đất ở giúp đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, giảm bất cập trong công tác bồi thường liên quan đến đất ở.

Trước đó, trong đề xuất gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cùng các sở ngành liên quan góp ý vào tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường từng gợi ý điều chỉnh giảm hạn mức đất ở với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 trên địa bàn.

Cụ thể, TP Thủ Đức và quận 7, 12, Bình Tân từ 200 m2 mỗi hộ xuống còn tối đa 160 m2. Các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở được đề xuất không quá 250 m2, thay vì 300 m2 mỗi hộ. Đề xuất trên đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ các đơn vị do chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Uỷ ban nhân dân TP HCM đang xem xét tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường để ban hành quyết định quy định về hạn mức công nhận đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 15/10/1993, áp dụng cho Luật Đất đai 2024 hiện hành từ ngày 1/8.

Sở cho biết Luật Đất đai mới quy định các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà nay được công nhận quyền sử dụng đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức.

Thống kê 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ đất đai tại TP HCM đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 4,1% tổng thu ngân sách thành phố. Nguồn thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất cùng các khoản phí và lệ phí.

Phương Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories