Bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút FDI
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 20%.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 2 trong tổng vốn đầu tư, đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 811,8 triệu USD, chiếm 28,9% giá trị góp vốn.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tám tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 9,0%.
Phân khúc bất động sản công nghiệp, căn hộ dịch vụ hưởng lợi
Các phân khúc bất động sản đang thu hút mạnh vốn FDI tại Việt Nam bao gồm bất động sản công nghiệp, căn hộ dịch vụ. Phân khúc bất động sản công nghiệp hiện giữ vị trí dẫn đầu, nhờ vào nhu cầu lớn từ các công ty sản xuất và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đạt trên 75% và giá thuê đất cũng tăng ổn định từ 8-12% mỗi năm.
Ngoài ra, phân khúc căn hộ dịch vụ cũng ghi nhận sự gia tăng nhu cầu, nhờ vào dòng vốn FDI tạo ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam. Tỷ lệ lấp đầy trong quý II năm 2024 đạt 83% và giá thuê cũng tăng nhẹ.
Đánh giá về sự tác động của nguồn vốn FDI đến thị trường căn hộ dịch vụ, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết: Dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam đã thu hút nhiều chuyên gia quốc tế đến làm việc, tạo nên một phân khúc khách hàng chủ chốt cho thị trường căn hộ dịch vụ. Họ thường lựa chọn thuê căn hộ dịch vụ do các đơn vị quốc tế quản lý vận hành, đáp ứng được nhiều yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố có vai trò to lớn trong việc tăng tính hấp dẫn của phân khúc căn hộ dịch vụ.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển lớn từ làn sóng FDI thứ 4, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Sự gia tăng dòng vốn này không chỉ tăng trưởng nhu cầu về nhà xưởng, hạ tầng công nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp xanh.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư vào bất động sản thương mại và văn phòng cũng đang gia tăng, nhờ vào sự phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam, trong khi các khu công nghiệp xanh cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Dựa trên dữ liệu sơ cấp từ quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas Rooney – Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp tại Savills, Hà Nội đánh giá khoảng 80% – 85% các nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu về tiêu chuẩn ESG. Đồng thời, Việt Nam đang thích ứng với xu hướng này. Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40% – 50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ lên kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có thành khu công nghiệp sinh thái, và 8% – 10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.