Trong báo cáo mới đây, đơn vị nghiên cứu Savills cho biết nhiều thương hiệu xa xỉ trên thế giới đã nhanh chóng gia nhập thị trường Việt Nam đầu năm nay. Tại TP HCM, hai nhãn hàng cao cấp Rene Caovilla và Cartier vừa mở cửa hàng đầu tiên tại trung tâm thương mại Union Square, quận 1. Nhiều tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực đồng hồ, trang sức như Fendi, Loewe… cũng đã hiện diện ở khu vực quận 1.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP HCM, cho biết các thương hiệu xa xỉ có nhiều yêu cầu khắt khe khi tìm thuê mặt bằng. Một số tiêu chí cần phải có là nằm trên các tuyến phố sầm uất nhất ở trung tâm, diện tích rộng rãi, mặt tiền lớn.
Xung quanh vị trí này đòi hỏi quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ khác. Đó là nguyên nhân các thương hiệu thường co cụm ở một số trục đường chính tại quận 1. Điều này phản ánh nguyên tắc đặc thù “buôn có bạn, bán có phường” trong ngành bán lẻ nhằm nâng tầm thương hiệu, hưởng lợi từ hiệu ứng đám đông, dễ hút khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, những mặt bằng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe trên ngày càng khan hiếm. “Các thương hiệu xa xỉ phải cạnh tranh nhau rất cao để tìm kiếm mặt bằng phù hợp ở TP HCM”, bà Quyên nói.
Nguyên nhân chính, theo bà, nhiều mặt bằng tại quận 1 vướng mắc vấn đề pháp lý khiến các thương hiệu gặp khó khăn trong việc xin giấy phép kinh doanh. Nhu cầu rất cao song số lượng lớn mặt bằng có diện tích quá hẹp hoặc bị chia thành nhiều tầng nhỏ, không đáp ứng nhu cầu trưng bày sản phẩm xa xỉ hay mang đến trải nghiệm mua sắm đẳng cấp cho khách hàng.
Trong khi đó, việc phát triển dự án mới ở khu vực ngoài trung tâm quận 1 đang gặp thách thức lớn. Bởi dự án mới cần nhiều thời gian xây dựng danh tiếng, thu hút các nhãn hàng, còn các thương hiệu ưu tiên chọn khu vực có sẵn lượng khách hàng tiềm năng.
Nhu cầu lớn từ các thương hiệu cao cấp đã giúp tỷ lệ trống mặt bằng ở các quận trung tâm TP HCM có xu hướng giảm. CBRE cho biết tỷ lệ trống mặt bằng khu vực trung tâm ở mức 4,7%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng gần 2%, đạt trung bình 240 USD mỗi m2 một tháng.
Đà tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng với nhu cầu lớn. Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth cho biết Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 người có từ 100 triệu USD trở lên, sau khi trừ các khoản nợ.
“Người Việt Nam được dự báo giàu lên nhanh nhất thế giới với mức tăng tài sản lên đến 125% trong 10 năm tới”, theo New World Wealth.
Phân khúc xa xỉ ở Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định hơn 3% mỗi năm từ nay đến 2028, theo hãng nghiên cứu thị trường của Đức Statista. Các ngành hàng như nước hoa, mỹ phẩm, thời trang hay trang sức, đồng hồ dự báo đem đến hơn 990 triệu USD trong năm nay. Đà tăng này được thúc đẩy bởi thu nhập và số người trung lưu ngày càng gia tăng, kéo theo nhu cầu về ngành hàng cao cấp.
Vài năm trở lại đây, doanh thu của nhiều thương hiệu xa xỉ tại thị trường Việt Nam liên tục tăng mạnh. Ví dụ, trong năm 2022, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes và các doanh nghiệp hàng xa xỉ khác lãi tổng cộng hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với năm 2021. Các thương hiệu này đều ghi nhận doanh thu nghìn tỷ đồng, theo nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô Vietdata.
Đình Trí