Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án, bao gồm: lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng…
Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 12-2027. Bộ GTVT đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ xác định, quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng một số chính sách đặc thù, đặc biệt đối với dự án.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải khoa học, toàn diện, đồng bộ, thể hiện tính khả thi, linh hoạt để thực hiện mục tiêu có tuyến đường sắt tốc độ cao từ Bắc tới Nam, thậm chí có thể mở rộng hơn. Việt Nam phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt, từng bước nắm bắt, làm chủ ngành công nghiệp đường sắt, các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành quản lý và các hệ sinh thái kinh tế đi cùng.
Bộ GTVT cần thành lập các tổ công tác có sự tham gia của bộ, ngành liên quan, đơn vị tư vấn, chuyên gia hàng đầu trong từng nội dung cụ thể: lựa chọn nhà thầu, đào tạo nhân lực, đất đai, vốn, mô hình ban quản lý dự án…
“Kế hoạch phải rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, xuyên suốt dự án từ Bắc đến Nam, phân chia từng loại công việc (công trình, phi công trình)”, Phó Thủ tướng nêu rõ.