Thêm 1 năm nữa trôi qua nhưng tiến độ di dời hộ dân khỏi chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) và xây dựng lại chung cư mới ở TP HCM chưa như chờ đợi.
Đủ kiểu trở ngại
Từ năm 2016, TP HCM tiến hành phân loại và kiểm định chất lượng 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975. 14 chung cư cấp D sau đó được xác định cần tháo dỡ để xây dựng chung cư mới thay thế. Kiểm định lại vào năm 2020 thì thêm 2, nâng tổng số chung cư cấp D lên 16 với 1.194 hộ dân.
Đến nay, toàn bộ 534 hộ dân ở 8 chung cư đã được di dời. Có 4 chung cư di dời dở dang với 150/466 hộ. Bốn chung cư còn lại gồm 274 hộ chưa di dời. Như vậy, còn 510 hộ vẫn ở nơi cũ.
Việc di dời hoặc sau di dời có sự khác nhau. Do không bảo đảm tiêu chuẩn xây dựng lại chung cư cũ nên khu đất 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) được đề xuất sử dụng cho mục đích công cộng. Những hộ tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo được về tạm cư tại chung cư An Phú (quận 6). Họ chỉ trả phí dịch vụ chứ không tốn tiền thuê nhà.
Tại quận 6, chung cư 119B Tân Hòa Đông được kiểm định cấp D từ năm 2017. Chung cư này nằm ở hẻm sâu, rộng chỉ hơn 4 m mà phương án mở đường không khả thi. Cơ quan chức năng nhận định địa điểm này không bảo đảm tiêu chí để xây dựng lại do thiếu điều kiện kết nối giao thông nên được điều chỉnh thành đất giáo dục. Quận 6 cũng đang gặp khó khăn về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong lúc chờ đợi, 70 hộ dân sang tạm cư tại chung cư 243 Tân Hòa Đông, 10 hộ chưa đi.
Ở quận Tân Bình, người dân vẫn chưa rời chung cư 137 Lý Thường Kiệt và 149-151 Lý Thường Kiệt. Sở Xây dựng đã thống nhất với đề xuất của quận là không đầu tư xây dựng lại 2 chung cư này cũng như chung cư 170-171 Tân Châu vì không đủ tiêu chuẩn xây dựng lại sau khi trừ lộ giới. Quận Tân Bình cũng tính phương án kiến nghị UBND TP HCM cho phép hợp ranh chung cư 47 Long Hưng với khu đất 2.000 m2 thuộc sở hữu nhà nước; điều chỉnh quy hoạch để xây dựng lại chung cư 40/1 Tân Phước.
Với quận 1, một số chung cư cấp D đã di dời dân nhưng đang khó khăn khi kêu gọi đầu tư vì đặc thù chung cư thấp tầng, hộ dân nhiều, diện tích nhỏ, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc không cao.
Giải tỏa nỗi lo sinh kế
Để các địa phương chủ động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư chung cư cấp D, hồi tháng 8-2022, UBND TP HCM ban hành Quyết định 2786 ủy quyền cho UBND các quận và TP Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư được xây dựng trước năm 1975.
Trong đó, các địa phương được phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn; xây dựng và ban hành tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư… Thời gian ủy quyền đến hết năm 2025.
Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư xây dựng lại chung cư cũ gặp không ít trở ngại. Ngoài chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư thì những quy định liên quan việc sở hữu chung, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa có phương án tốt cũng khiến mọi việc bị chững lại.
UBND TP HCM đánh giá việc triển khai đầu tư xây dựng còn vướng mắc trong thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng pháp luật về nhà ở, đất đai và đầu tư còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ.
Các chuyên gia cho rằng nhà nước cần nâng cao vai trò trong việc đầu tư xây dựng lại chung cư cũ. Theo bà Nguyễn Bình Minh, giảng viên Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, do ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư cải tạo chung cư cũ dựa vào vốn tư nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp không “mặn mà” vì chi phí bỏ ra lớn trong khi lợi ích không cao và đôi lúc gặp rủi ro. Vì vậy, thành phố cần đóng vai trò chủ đạo thu hút đầu tư xây dựng lại chung cư cũ thông qua cơ chế, chính sách; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người dân.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nhìn nhận điều quan trọng trong việc di dời, đầu tư xây dựng lại chung cư cấp D là giải quyết rõ ràng cho người dân đến nơi ở mới là tạm cư hay định cư để họ tính toán sinh kế. Ngoài ra, thành phố cần có đột phá trong xây dựng lại chung cư cũ, đó là xây dựng lại và bán với giá phù hợp.
Tiếp nhận hơn 1.600 nền đất tái định cư
Liên quan việc sửa chữa căn hộ và phần sở hữu chung tại các chung cư do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) quản lý – Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường vừa có chỉ đạo.
Ông Bùi Xuân Cường giao trung tâm căn cứ kế hoạch tổ chức thực hiện quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư được phân bổ cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để sửa chữa căn hộ, phần sở hữu chung tại các chung cư.
Cụ thể, đối với nhóm 1 (toàn bộ căn hộ trong tòa nhà chung cư thuộc tài sản công vẫn còn trống, chưa bố trí sử dụng) và nhóm 2 (căn hộ còn trống, chưa bố trí sử dụng nằm xen cài giữa các căn hộ khác đã bố trí sử dụng nhưng chưa thành lập ban quản trị nhà chung cư), trung tâm làm đầu mối. Nhiệm vụ là chủ trì việc sửa chữa căn hộ và phần sở hữu chung bảo đảm tiến độ theo đề xuất của địa phương.
Trung tâm sửa chữa căn hộ còn trống chưa bố trí sử dụng nằm xen cài giữa các căn hộ khác đã bố trí sử dụng và đã thành lập ban quản trị nhà chung cư (nhóm 3). Cùng với đó, phối hợp với ban quản trị nhà chung cư, báo cáo Sở Xây dựng kế hoạch sửa chữa phần sở hữu chung để bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo.
Sở Xây dựng TP HCM cho biết đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận chuyển giao quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; việc tiếp nhận căn hộ và nền đất từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận, huyện, TP Thủ Đức về Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng để quản lý vận hành. Trong đó, trung tâm đã tiếp nhận 9.918/10.555 căn hộ và 1.622/2.765 nền đất phục vụ tái định cư.
Sở Xây dựng từng đề xuất thành phố chấp thuận chủ trương giao toàn bộ phần sở hữu chung của chung cư Phú Thọ cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng sửa chữa để có thể bàn giao cho quận Tân Bình. Qua đó, tổ chức di dời các hộ dân tại chung cư 137 và 149-151 Lý Thường Kiệt về tạm cư.