Các chuyên gia kỳ vọng cuộc thi sẽ chọn ra ý tưởng xuất sắc nhất, mang đến phương án quy hoạch xứng tầm, là bước ngoặt quan trọng để hồi sinh bán đảo Bình Quới – Thanh Đa.
Nằm tại trung tâm TPHCM, cạnh sông Sài Gòn, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa xứng đáng trở thành điểm nhấn về hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái tầm vóc quốc tế. Muốn đạt mục tiêu này, quy hoạch cần giải được bài toán kiến tạo không gian đô thị gắn với đặc trưng sông nước, kết nối hạ tầng đồng bộ, đồng thời đề xuất các công trình biểu tượng, điểm nhấn xứng tầm.
Nên ưu tiên đơn vị quốc tế có uy tín, bề dày kinh nghiệm
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, người dành rất nhiều sự quan tâm đối với quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa nhận định, bán đảo Thanh Đa và bán đảo Thủ Thiêm là 2 khu vực điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch sông Sài Gòn, cần có sự lưu tâm đặc biệt. Bài toán quy hoạch Thanh Đa gần giống với bài toán quy hoạch khu đô thị Phú Mỹ Hưng những năm 1990 và quy hoạch Thủ Thiêm hồi năm 2003: đều là những vùng đất thấp, có quỹ đất rộng, phải bỏ tiền chỉnh trang toàn bộ khu vực.
Do đó, đề bài đặt ra cũng phải rút kinh nghiệm từ 2 bản quy hoạch trên, cần có cách tiếp cận hoàn toàn mới để tạo ra bản quy hoạch khả thi không lệ thuộc vào nguồn vốn ngân sách công. Đề bài phải mở, đặt vấn đề trong kinh tế thị trường để thu hút nhà đầu tư cùng tham gia góp vốn và phát triển. Đặc biệt, nên ưu tiên đơn vị quốc tế có uy tín, bề dày kinh nghiệm.
Bán đảo Thanh Đa cần quy hoạch hệ thống công viên công cộng, công viên chuyên đề, không gian mở ven sông để định hình khung phát triển xanh cho bán đảo. Các không gian xanh cần kết hợp với hoạt động phát triển du lịch như công viên ngập nước, công viên chuyên đề, các lễ hội trên sông, chương trình trình diễn văn hóa nghệ thuật… , đưa Bình Quới – Thanh Đa trở thành điểm đến du lịch, vui chơi giải trí điểm nhấn của TPHCM.
Bên cạnh chức năng kiến tạo không gian sống hiện đại, sinh thái với chất lượng sống cao, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa còn giàu tiềm năng để định vị là điểm đến vui chơi, nghỉ dưỡng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch, triển lãm văn hóa nghệ thuật hàng đầu của TPHCM. Từ đó mang lại giá trị kinh tế, phát triển du lịch dịch vụ, thương mại, giúp tạo công ăn việc làm, mang đến thu nhập bền vững và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Tối ưu hiệu quả sử dụng đất, chờ đón những công trình biểu tượng
Nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế cho việc phát triển bền vững các quần thể công viên-du lịch và đô thị, cân bằng giữa bài toán bảo tồn sinh thái và phát triển trên thế giới. Chẳng hạn những cộng đồng, điểm đến du lịch gắn với không gian mặt nước như San Antonio River Walk ở Texas hay cụm dân cư Venice Canal tại Los Angeles; các công viên ngập nước sinh thái kết hợp du lịch bền vững: công viên Xixi tại Hàng Châu (Trung Quốc), công viên đất ngập nước tại Hong Kong (Trung Quốc).
Theo thông tin từ Sở QH-KT, UBND TPHCM yêu cầu phát triển bán đảo Bình Quới – Thanh Đa thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế, tạo thành một tam giác với khu trung tâm đô thị lịch sử (trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận) và khu vực hiện đại của trung tâm Thủ Thiêm sau này.
Tính chất chính của bán đảo Bình Quới – Thanh Đa là một công viên vùng đất ngập nước hấp dẫn tầm cỡ quốc tế, thông qua việc tái cấu trúc thành một vùng trũng sinh thái, nơi bảo tồn sinh quyển đất ngập nước với cảnh quan hấp dẫn và liên thông trong toàn khu. Trong đó, bán đảo sẽ được bố trí đan xen những trung tâm đô thị có hệ số sử dụng đất cao, cao tầng để giảm thiểu mật độ xây dựng và có tầm nhìn rộng ra cả vùng cảnh quan; chức năng bao gồm hành chính, văn phòng, nhà ở cao cấp, khách sạn, thương mại dịch vụ, du lịch.
Ngoài ra, trong tờ trình của UBND TP.HCM về thẩm định, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi Bộ Xây dựng, TP.HCM cũng nêu định hướng phát triển bán đảo Thanh Đa: “Đảm bảo hình thành những điểm nhấn công trình quan trọng nhất, cao nhất, đẹp nhất của toàn thành phố, nổi bật trên một nền xanh lớn”.
Theo KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, bao lâu nay TP.HCM rất mong mỏi tìm kiếm một công trình điểm nhấn kiến trúc, có tính tiêu biểu, nhưng đây là bài toán khó. TP đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế cầu, đường, công trình kiến trúc… để tìm điểm nhấn tiêu biểu như vậy nhưng chưa có công trình nào đạt tầm cỡ như kỳ vọng.
Trở lại với yếu tố hết sức quan trọng để quy hoạch Thanh Đa – Bình Quới tránh rơi vào tình cảnh “chết yểu” thêm một lần nữa như trong lịch sử, đó là cơ chế để tạo được quỹ đất cho người dân tái định cư tại chỗ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Thanh Đa từng được phê duyệt quy hoạch với nhiều kỳ vọng từ 30 năm nay nhưng chưa thành hiện thực, đã có nhiều nhà đầu tư được chỉ định thực hiện nhưng tiến độ vẫn không nhúc nhích. Đến nay, các cơ chế mới sẽ tạo nên động lực mới, điển hình là Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá.
Các cơ chế này cũng gỡ vướng cho TP.HCM nói chung và bán đảo Thanh Đa nói riêng trong vấn đề đất đai như tạo quỹ đất để tái định cư tại chỗ cho các hộ có đất bị thu hồi, có quỹ đất để đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để Thanh Đa thực sự trở thành một bán đảo phát triển thành công, hài hòa yếu tố sinh thái bền vững và phát triển kinh tế, quy hoạch bán đảo cần chú trọng tính hiệu quả của sử dụng đất.
Những mô hình phát triển tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy, đối với các khu vực có vị thế kim cương và quỹ đất hạn chế, cần chú trọng sự phát triển tích hợp, có mật độ xây dựng đủ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển dân số. Việc phát triển tích hợp và tối ưu mật độ xây dựng một mặt giúp gia tăng diện tích không gian mở, mặt khác đảm bảo quỹ không gian để phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ, kiến tạo một điểm đến sôi động và thu hút.
Như quan điểm của KTS.Vũ Xuân Thao – Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TPHCM, nên bố trí những công trình cao tầng hiện đại cho người dân nơi đây, tái định cư tập trung để nâng cao chất lượng sống cho người dân, đảm bảo tối ưu hiệu quả sử dụng đất.
“Đặt vai trò của người dân ở đấy, tôi cũng mong muốn được tái định cư ngay tại vị trí đó. Khu vực Bình Quới – Thanh Đa hiện tại đa số nhà thấp tầng, chỉ có 1 tòa chung cư Thanh Đa có 4-5 tầng. Trong quy hoạch mới, nếu chúng ta xây những tòa nhà 10-20 tầng, thì chỉ cần chưa đến 1/3 tòa nhà là có thể giải quyết được vấn đề tái định cư. Khi chúng ta làm đô thị nén, những tòa nhà cao tầng sẽ có nhiều diện tích hơn để xây dựng những công trình biểu tượng, nhiều không gian hơn dành xây dựng cho không gian công cộng”, KTS.Vũ Xuân Thao chia sẻ.
Quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa cũng chính là để người dân được thụ hưởng thành quả. Với phương án tái định cư tập trung vừa mang đến diện mạo mới, hiện đại, đẳng cấp cho đô thị bán đảo, vừa đem lại chất lượng sống cao cấp cho người dân, tạo nên một cộng đồng dân cư hiện đại, năng động…
Sự chờ đợi của cả người dân và giới chuyên môn sẽ đặt áp lực lên đơn vị tư vấn phải làm sao xây dựng quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa vừa trở thành đô thị sinh thái nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế kiểu mẫu với diện mạo hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, vừa phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Và chính người dân nơi đây sẽ được hưởng lợi ích lớn từ quy hoạch này, tự hào với vị thế xứng tầm “hòn ngọc trong hòn ngọc” của Bình Quới – Thanh Đa.