Thứ Ba, Tháng 2 25, 2025

Tổng Bí thư: Cần lập ‘quỹ nhà ở quốc gia’ để phát triển nhà giá rẻ

-

Tổng Bí thư nhắc tới việc lập “Quỹ nhà ở quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại đô thị lớn, là giải pháp để thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng quốc gia.

Theo TTXVN, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chiều 24/2, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế là nhà điều hành cần có chính sách đất đai, bất động sản để giúp thị trường tăng giao dịch, thu hút vốn, thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia.

Để làm được điều này, ông nhắc tới việc thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Cùng với đó, nhà điều hành cần tính tới các giải pháp khác như hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đồng bộ cho đô thị, xây dựng hệ thống bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất.

  • Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Từ 2021-2024, theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, chỉ có 96 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 57.620 căn. 133 dự án đã khởi công với trên 110.200 căn. Còn lại 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ cung cấp thêm hơn 412.200 căn nếu xây xong.

Năm ngoái, tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Ban Bí thư chỉ thị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững. Trước đó, lãnh đạo Chính phủ giao một số bộ ngành nghiên cứu phương án thành lập quỹ về nhà ở xã hội, cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng.

Ngoài nhà ở xã hội, thị trường cũng thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người dân. Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy quý III/2024, nguồn cung nhà ở hình thành trong tương lai trên cả nước là khoảng 21.300 căn, 80% nguồn cung tại Hà Nội và TP HCM được bán với giá từ 50 triệu đồng mỗi m2 trở lên. Phân khúc căn hộ chung cư bình dân (giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2) đã “tuyệt chủng”, thậm chí không có khả năng xuất hiện trở lại tại Hà Nội và TP HCM.

Còn theo Hiệp hội bất động sản TP HCM, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã không còn căn hộ giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2. Giá trung bình căn hộ mở bán mới trên địa bàn khoảng 50 triệu đồng mỗi m2 và liên tục tăng qua các năm. Căn hộ giá dưới 40 triệu đồng mỗi m2 tại TP HCM cũng đã thành hàng hiếm. Ngay cả các thị trường vệ tinh, giá nhà cũng không còn rẻ.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở vừa túi tiền, Hội môi giới cho rằng nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư. Nên áp dụng chính sách miễn giảm thuế đất, thuế doanh nghiệp hay tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất so với tiêu chuẩn cho các dự án nhà ở thương mại có mức giá phải chăng.

Đồng thời, Nhà nước nên ưu tiên trong việc phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, giúp rút ngắn thời gian phát triển dự án, thông qua đó tiết giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập quỹ nhằm hỗ trợ phát triển và duy trì nguồn cung căn hộ giá rẻ. Quỹ này có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước và từ các nhà đầu tư tư nhân.

Phương Dung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories