Ngày 3/4, Tọa đàm Bất động sản 2025: Nhà ở cho người trẻ đã diễn ra tại TP.HCM với nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi từ các chuyên gia, nhà quản lý.
Phân tích theo nhóm tuổi, khả năng thanh toán
TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, cần định nghĩa rõ thế nào là “người trẻ”. Theo ông Tuấn, người trẻ có thể được xác định trong độ tuổi từ 18 đến 34. Tuy nhiên, nên phân chia thành hai nhóm cụ thể: từ 18–23 tuổi và từ 24–34 tuổi.

Tọa đàm Bất động sản 2025: Nhà ở cho người trẻ đã diễn ra tại TP.HCM. (Ảnh: Đ.V)
Theo ông Tuấn, giai đoạn từ 18 – 23 tuổi là thời điểm nhiều người vừa ra trường, bắt đầu đi làm, vẫn đang trong quá trình định hình sự nghiệp. Còn từ 24 tuổi trở đi là thời điểm bắt đầu ổn định hơn, có thu nhập rõ ràng hơn và bắt đầu phát sinh nhu cầu về chỗ ở lâu dài.
Nhóm tuổi từ 24 – 34 là đối tượng có nhu cầu mua nhà rõ nét nhất. Luật Nhà ở hiện nay, đặc biệt là Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm này nếu triển khai đầy đủ.
Ông Tuấn cho rằng, tại TP.HCM – nơi có dân số khoảng 14 triệu người, đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 xây 100.000 căn nhà ở xã hội là quá ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để chủ động sử dụng quỹ đất của mình phát triển nhà ở xã hội với mức giá hợp lý.
Nhà nước cần đóng vai trò là “bà đỡ”, hỗ trợ chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và đầu tư hiệu quả hơn vào lĩnh vực này.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị – Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, khi bàn về vấn đề nhà dành cho người trẻ thì cần chia ra thành 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người có nhu cầu về nhà ở và nhóm thứ hai là chưa có nhu cầu. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ hiện vẫn sống cùng gia đình hoặc bạn bè, chưa tính đến chuyện mua nhà. Chính vì vậy, khi người trẻ có nhu cầu thực sự thì mới hình thành được một thị trường rõ ràng dành riêng cho họ.
Theo ông Hồ, nhóm những người có nhu cầu về nhà ở cũng cần chia làm 2 nhóm gồm: nhóm có khả năng thanh toán và nhóm không có khả năng thanh toán. Việc phân nhóm rõ như vậy sẽ giúp các cơ quan quản lý đưa ra được chính sách phù hợp hơn.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị – Sở Xây dựng TP.HCM. (Ảnh: Đ.V)
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội tại TP.HCM từ nay đến năm 2030 là khoảng 850.000 căn hộ. Do đó, Chính phủ giao TP.HCM xây dựng 100.000 căn là hoàn toàn có căn cứ, dù con số này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
“Trong nhóm người trẻ cũng có người thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhưng cũng có nhiều người không thuộc diện chính sách. Đối với người không được ưu tiên thì họ buộc phải mua nhà ở thương mại giá rẻ. Tuy nhiên, phân khúc này lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể”, ông Hồ nói.
Ông Hồ cho rằng, thời gian tới, cần tập trung vào chính sách phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp với những hình thức linh hoạt như: bán, thuê và thuê mua. Đối với nhóm chưa đủ khả năng thì nên tiếp cận thông qua hình thức thuê. Hiện nay, Nhà nước cũng đang xây dựng chính sách để phát triển thị trường nhà ở cho thuê, đặc biệt hướng đến nhóm người trẻ.
Giảm lãi suất và tăng nguồn cung
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực II cho rằng, nếu người trẻ có thể tiếp cận được cả nhà ở thương mại với mức giá hợp lý thì hiệu quả mang lại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Trong đó, các chương trình cho vay dành riêng cho người trẻ đóng vai trò tiếp sức quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo chỗ ở cho toàn dân.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực II. (Ảnh: Đ.V)
Việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ là lời giải cho bài toán chi phí nhà ở trong bối cảnh thu nhập trung bình còn hạn chế. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại hiện đang tích cực triển khai những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho người trẻ: lãi suất thấp, thời hạn vay dài, giúp người trẻ từng bước tiếp cận và sở hữu căn nhà đầu tiên.
Ông Lệnh cho rằng, xét ở góc độ tín dụng, nếu có thể phát triển mạnh mẽ phân khúc nhà ở thương mại giá phù hợp thì điều này sẽ góp phần mở rộng dư nợ tín dụng một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, người trẻ có cơ hội ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, các giải pháp mà Bộ Xây dựng đang triển khai cũng như các cơ chế, chính sách đang được nghiên cứu, hoàn thiện sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thị trường nhà ở giá hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay vẫn nằm ở nguồn cung. Do đó, điều cấp thiết là phải gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi nhu cầu của người trẻ và người thu nhập thấp đang rất cao.