Ghi nhận của VnExpress tại loạt dự án sơ cấp ở TP HCM và Bình Dương cho thấy động thái điều chỉnh giá từ phía chủ đầu tư trong 4 tháng đầu năm nay.
Tại TP HCM, dự án Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức) tăng 10-13,5% giá bán các căn hộ thuộc phân khu Origami và The Beverly. Dự án Thảo Điền Green (TP Thủ Đức) mở bán các căn cuối cùng vào đầu tháng 4, giá đắt thêm 23,8% so với cuối năm trước.
Một dự án khác trên địa bàn khu đông là Eaton Park cũng được điều chỉnh 10-20% chỉ trong vài tháng. Cụ thể, rổ hàng mới của dự án này được chủ đầu tư chào ở mức 160 triệu đồng một m2, tăng 15-40 triệu so với cuối năm ngoái. Chủ đầu tư sắp mở bán các căn tại tòa A4 của dự án, với giá rumor (mức bán dự kiến, chưa chính thức của dự án) lên tới hơn 190 triệu mỗi m2.
Tại bất động sản khu phía tây TP HCM, Gamuda Land cũng mở bán 200 căn hộ cuối cùng ở khu đô thị Celadon City, mức 70-80 triệu đồng mỗi m2, tăng 15-20% so với các giai đoạn bán trước đó. Còn ở khu nam, dự án Khải Hoàn Prime được chủ đầu tư rao giai đoạn cuối khoảng 55-60 triệu đồng mỗi m2, tăng 10% so với đợt bán trước.
- Các dự án chung cư tại bất động sản khu đông TP HCM (TP Thủ Đức). Ảnh Quỳnh Trần
Ở thị trường Bình Dương, chủ đầu tư Lê Phong có kế hoạch mở bán phân khu mới dự án The Emerald 68 (TP Thuận An), dự kiến từ 60 triệu đồng mỗi m2, tăng 15% so với đợt bán quý I vừa qua.
Dự án khác là The Felix (TP Thuận An) được giới thiệu ra thị trường cuối năm ngoái, mức từ 35 triệu đồng mỗi m2. Sang đầu quý II, chủ đầu tư chào giá lên đến 40 triệu đồng một m2, tăng hơn 10%.
Tương tự, dự án TT Avio tại TP Dĩ An cũng được điều chỉnh giá bán lên 32 triệu đồng một m2, tăng 10% so với đợt ra mắt cuối 2024.
Theo báo cáo từ hãng tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, quý I giá chung cư sơ cấp tại TP HCM tăng 28% so với quý trước và 47% cùng kỳ năm ngoái, trung bình đạt gần 120 triệu đồng mỗi m2. Còn theo số liệu từ đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường Knight Frank Việt Nam, giá chung cư TP HCM quý vừa qua tăng 12% so với cuối 2024, chạm mức bình quân 92 triệu đồng một m2.
Đánh giá về xu hướng điều chỉnh giá sơ cấp của các chủ đầu tư, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ bất động sản DKRA Group, cho rằng nguồn cung căn hộ tầm trung (tài chính 3-4 tỷ đồng) vẫn thiếu tại TP HCM và các tỉnh phụ cận là yếu tố khiến giá địa ốc liên tục tăng. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà ở phân khúc này vẫn rất lớn, tạo ra đợt đẩy giá từ các chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), nhận định mặt bằng giá bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian triển khai, giá đất, chi phí xây dựng, nguyên vật liệu… Các chi phí này có xu hướng đi lên thời gian qua kéo theo đà tăng giá nhà ở. Ngoài ra, theo Chủ tịch HoREA, trên thị trường cũng còn một bộ phận chủ đầu tư luôn muốn đạt lợi nhuận tối đa, lên tới 30-40%, nên giá nhà bị đẩy lên cao.
Bất động sản Phú Đông của CEO Ngô Quang Phúc đang triển khai dự án Phú Đông Sky One tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ông Phúc cho rằng việc tăng giá bán căn hộ phụ thuộc nhiều vào các khoản chi phí phát triển dự án, chứ không đơn thuần dựa trên ý muốn của chủ đầu tư. Theo ông, nếu tính trên chi phí triển khai, mỗi m2 căn hộ gánh hàng chục loại chi phí như phí xây dựng, thuế đất, lãi suất, phí môi giới, quảng bá… Vì thế, giá bán cuối cùng tới tay người mua phụ thuộc vào sự tăng giảm các khoản phí trên.
“Trường hợp giá vật tư xây dựng được cơ quan quản lý kiểm soát, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp mức lãi vay cố định 8% một năm, khi đó giá nhà chắc chắn sẽ giảm”, ông nói.
Để giá bất động sản hạ nhiệt, giới phân tích cho rằng ngoài đa dạng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, Chính phủ cũng cần có giải pháp hỗ trợ về pháp lý dự án cho thị trường. Đồng thời, nhà chức trách cũng cần nghiên cứu giảm thủ tục hành chính, giúp chủ đầu tư đẩy nhanh thời gian hoàn thành và bớt chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng dự án.
Phương Uyên