Thứ Tư, Tháng 5 14, 2025

Từ bất động sản sang cao tốc, metro: "Cuộc chơi mới" của Vingroup, Sun Group, T&T, Geleximco…

-

Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, một loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực địa ốc đã mạnh tay tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường cao tốc.

Thời gian gần đây, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc đẩy mạnh các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP… đã mở ra cơ hội cho tư nhân tham gia các dự án lớn mà trước đây vốn chỉ có nhà nước đảm trách.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km.

Nhấn mạnh việc hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông chiến lược không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội mà còn góp phần quan trọng trong việc kết nối vùng, thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao đời sống người dân, từ đó, Thủ tướng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để đạt được mục tiêu đề ra.

Nắm bắt và tận dụng chính sách khuyến khích từ Chính phủ, cùng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là các dự án cao tốc.

Nổi bật trong số các nhà đầu tư hạ tầng tư nhân là Tập đoàn Vingroup đã chính thức thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng), đánh dấu bước đi chiến lược trong việc mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng giao thông quy mô lớn.

Hiện Vingroup đang “bắt tay” cùng Techcombank triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành dài 124 km, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Tuyến đường này kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, có ý nghĩa chiến lược trong thúc đẩy giao thương, logistics và liên kết vùng.

Vingroup cũng vừa đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Quảng Ninh với vận tốc lên tới 300 km/h, theo hình thức đầu tư BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành). Được biết, đây là một trong những đề xuất hiếm hoi từ tư nhân ở lĩnh vực hạ tầng phức tạp như đường sắt tốc độ cao.

Trước đó, Tập đoàn này cũng xúc tiến tuyến metro tốc độ cao từ Quận 7 đến Cần Giờ (TP.HCM) kết nối đại dự án Vinhomes Green Paradise quy mô 2.870 ha, với kỳ vọng đưa Cần Giờ thành “thành phố ven biển” hiện đại nhất khu Nam.

Sun Group cũng là một trong những doanh nghiệp bất động sản tích cực mở rộng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đây là nhà đầu tư chính của tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại tỉnh Quảng Ninh, được đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2022. Tuyến cao tốc dài hơn 80 km, được thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, với vận tốc tối đa 120 km/h. Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư hơn 9.100 tỷ đồng và hoàn thành chỉ sau 25 tháng thi công, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cái xuống còn hơn 3 giờ đồng hồ.

Trước khi triển khai dự án Vân Đồn – Móng Cái, Sun Group đã đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn dài 60 km, với tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng. 

Tại miền Nam, Sun Group đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1: Gò Dầu – TP Tây Ninh), theo phương thức PPP. Đây là tuyến cao tốc quan trọng kết nối với tuyến TP.HCM – Mộc Bài, đóng vai trò là mạch huyết mới thúc đẩy giao thương giữa TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, đồng thời mở rộng hành lang kinh tế đến khu vực biên giới Campuchia.

Không kém cạnh, Geleximco đang dẫn dắt liên danh (Geleximco – Vinaconex – Phuong Thanh Tranconsin – Naso CO – Hoang Cau IIC) thực hiện cao tốc Nam Định – Thái Bình (một đoạn quan trọng thuộc tuyến Ninh Bình – Hải Phòng), có tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, vừa chính thức khởi công vào ngày 12/5. Dự án sẽ được đầu tư xây dựng trong 36 tháng, cơ bản hoàn thành vào năm 2027 và đưa vào khai thác vận hành năm 2028.

Đoạn tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 60,9 km. Trong đó, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nam Định dài khoảng 27,6 km, qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài khoảng 33,3 km. Đây là tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120 km/h với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m. Toàn dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên đường cao tốc và 4 cầu vượt ngang cùng với 7 nút giao liên thông.

Loạt

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, kết nối với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương (Ảnh: Trần Nam)

Tập đoàn T&T Group cũng đang cho thấy việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Một trong những dự án tiêu biểu là cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương (Lâm Đồng) dài 73 km, tổng mức đầu tư hơn 19.500 tỷ đồng, do liên danh T&T Group – FUTA Group – Phương Thành thực hiện theo hình thức PPP.  Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý để liên danh này nghiên cứu, khảo sát, đề xuất ý tưởng quy hoạch khu vực 50.000 ha dọc tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Ngoài ra, T&T Group còn là đơn vị duy nhất quan tâm đến dự án thành phần 3 thuộc tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô – một trong những công trình trọng điểm quốc gia, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 56.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng đang triển khai đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị (vốn khoảng 5.800 tỷ đồng) liên danh cùng CIENCO4 và đã hoàn thành nhiều dự án hạ tầng tại Long An như tuyến đường tỉnh 826E…

Một cái tên đáng chú ý khác là Văn Phú – Invest góp mặt vào liên danh đầu tư cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Lạng Sơn với Cao Bằng.

Dự án có tổng chiều dài gần 115 km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức PPP. Tại dự án này, Văn Phú – Invest cùng các đối tác lớn như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Thành Lợi đều cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của doanh nghiệp từ địa ốc sang hạ tầng trọng điểm.

Tại Hà Nội, Văn Phú – Invest cũng tham gia nhiều dự án hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), như dự án nâng cấp tuyến đường 70 đoạn Văn Điển – Hà Đông, có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, chiều dài gần 15 km. 

Văn Phú – Invest còn mở rộng địa bàn đầu tư vào TP.HCM, tham gia liên danh đề xuất dự án xây dựng tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc lộ 1 tại TP Thủ Đức, có vai trò quan trọng trong liên kết vành đai và khu Đông thành phố.

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, một số tập đoàn xây dựng truyền thống như CIENCO4, Đạt Phương, Vinaconex cũng đang chuẩn bị nguồn lực để tham gia sâu hơn vào đầu tư hạ tầng.

Cụ thể, CTCP Tập đoàn CIENCO4 đặt mục tiêu đạt lợi nhuận cao nhất lịch sử trong năm 2025 (trên 200 tỷ đồng), đồng thời bày tỏ mong muốn thi công các hạng mục trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Tập đoàn này cho biết đang trong quá trình nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực, năng lực công nghệ – thiết bị, cũng như các đối tác liên quan để sẵn sàng tham gia đảm nhận xây dựng các công trình thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt trục Đông – Tây và các tuyến Metro tại Hà Nội và TP. HCM.

Hay tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vừa qua, Tập đoàn Đạt Phương (MCK: DPG) cho biết sẽ mở rộng tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, hầm và metro, những công trình trọng điểm phục vụ phát triển giao thông và đô thị thông minh.

Nói về khả năng tham gia, ông Lương Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đạt Phương cho biết, Công ty đã chuẩn bị về nhân sự, định hướng tiếp cận để không “nằm ngoài cuộc chơi”. Riêng quý 1/2025, cơ bản đã được 3.000-4.000 tỷ đồng đấu thầu mới và đủ để làm cả năm.

“Việt Nam đang tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng với quan điểm hạ tầng đi trước. Mảng này chắc chắn tăng trưởng nhiều, và đối với DPG khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng GDP 2 con số thì lĩnh vực này của DPG và các doanh nghiệp xây dựng sẽ tăng”, ông Tuấn nói.

Được biết đến là nhà thầu từng tham gia nhiều dự án lớn tại Hà Nội như: cao tốc Láng – Hòa Lạc, Nhà ga hành khách T2 mở rộng – Sân bay Quốc tế Nội Bài, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – VCG) cũng không nằm ngoài cuộc đua.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, Vinaconex đang chuẩn bị nguồn lực để tham gia tuyến metro, điện gió và cao tốc quy mô lớn. Vào đầu năm 2024, Vinaconex đã cùng Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 5.

Có thể thấy, việc “lấn sân” sang lĩnh vực hạ tầng đang trở thành một xu hướng, chiến lược dài hạn của nhiều doanh nghiệp. Sự kết hợp linh hoạt giữa phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories