Công ty anh Hoàng làm việc có trụ sở tại quận 3, TP HCM, đã cắt giảm nhân sự từ cuối năm 2022 nhưng tình hình ngày càng trầm trọng hơn trong hơn 2 tháng đầu năm 2023. Từ tháng 1 đến tháng 2, bên cạnh số nhân viên bị công ty cho thôi việc còn có nhiều người chủ động xin nghỉ vì thu nhập bị cắt giảm mạnh không đủ trang trải cuộc sống. Hoàng cho hay hiện các phòng ban của công ty đều giảm nhân sự 50-70% do hoạt động đầu tư và bán hàng đều đình trệ.
“Khó khăn nhất là phòng hậu mãi chăm sóc khách hàng, nhân sự nghỉ gần hết nhưng số hồ sơ thanh lý vẫn tăng lên, nhiều đợt kéo đến công ty đòi nợ nên vài người còn bám trụ phải luân phiên tiếp nhận hồ sơ, chịu trận cảnh quát tháo đòi tiền”, anh chia sẻ và thừa nhận bản thân có thể không trụ được trong bao lâu.
Tình huống nhân sự bất động sản bị cắt giảm đến mức chỉ chừa lại vài người bám trụ ở một số phòng ban như công ty của anh Hoàng không phải cá biệt. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều công ty địa ốc bên cạnh sa thải hàng loạt đã phải chọn phương án cắt giảm và nợ lương trong 2 tháng đầu năm 2023 khiến lượng người lao động chọn rời công ty tăng lên.
Anh Kha, nhân viên kinh doanh (phòng marketing) của một công ty bất động sản đang phát triển dự án tại TP Thủ Đức chia sẻ, đầu tháng 3 anh đã nộp đơn xin nghỉ việc, hiện không còn là nhân sự thuộc biên chế công ty. Cả phòng marketing từ hơn chục người nay còn lại duy nhất trưởng bộ phận và phải gánh phần việc của các bộ phận kiểm soát, pháp chế, đối ngoại, hậu mãi đang trống hàng loạt vị trí.
“Tháng 12/2022, công ty có khoảng 50% nhân sự bị đào thải nhưng đến đầu tháng 3 nếu cộng thêm số nhân viên mới chủ động xin nghỉ đã vọt lên trên 60% nguồn lao động”, anh Kha cho hay.
Chủ tịch một công ty bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cho biết khi cân nhắc và thông báo về kế hoạch giảm và nợ lương hồi cuối tháng 12/2022, nhân sự đã giảm 50%. Chỉ trong 2 tháng qua, tổng số nhân viên trong kế hoạch giảm biên chế và chủ động nghỉ việc tăng lên đến hàng trăm người. “6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, vì vậy từ tháng 3 trở đi số nhân sự rời công ty có thể sẽ tiếp tục tăng lên”, ông nhìn nhận.
Mới đây, báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố cho thấy doanh nghiệp đã cắt giảm 3.191 nhân sự, trong đó, một công ty con thuộc mảng dịch vụ của tập đoàn sa thải 3.040 người.
Báo cáo ngành mới phát hành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cho biết năm 2023 các công ty bất động sản buộc phải tái cấu trúc để tồn tại trong giai đoạn khó khăn. Đơn vị này dự báo, giai đoạn 2023-2024 vô cùng thử thách với thị trường địa ốc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc nợ vay, danh mục sản phẩm trong khi chờ đợi tháo gỡ nút thắt pháp lý.
BSC phân tích, tái cấu trúc nợ vay bao gồm thoái vốn một số dự án hoặc tối ưu hóa chi phí vận hành, từ bỏ các mảng kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt.
Cuối tháng 12 năm ngoái, khảo sát của VnExpress tại hơn 10 công ty bất động sản đang hoạt động trên địa bàn TP HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, lượng nhân sự rời khỏi thị trường hai quý cuối năm 2022 (quý III và IV) ước tính lên đến hàng nghìn người, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh, sale bán hàng – hậu mãi, marketing và pháp chế (lo thủ tục pháp lý).
Các doanh nghiệp môi giới (phân phối) hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên bằng nhiều hình thức: dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên, nợ lương nhưng chưa xác định thời hạn chi trả.
Một số đơn vị quy mô dưới 50 nhân viên thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn – chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án – ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% cùng với giảm lương theo cấp bậc.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á dự báo năm 2023 làn sóng cắt giảm nhân sự bất động sản vẫn tăng mạnh trong 6 tháng tới dù năm ngoái thực trạng đào thải nhân sự địa ốc đã lên cao nhất một thập kỷ.
Ông Hạnh nhận định, nhiều khả năng làn sóng nhảy việc của nhân sự bất động sản sẽ diễn ra vào quý II-III năm nay. Nhân sự nghỉ và nhảy việc phân thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm chuyển nghề khác, nhóm hai là những người tạm nghỉ chờ đợi qua giai đoạn khó khăn sẽ quay trở lại trong trung hoặc dài hạn. Nhóm ba khá hơn là nhân sự có năng lực, nghỉ việc công ty A để xê dịch sang công ty B có tính ổn định cao để tiếp tục hành nghề.
Theo ông, đợt giảm tốc của thị trường bất động sản lần này cũng là cơ hội sàng lọc cần thiết giúp nhân sự ngành địa ốc gạn đục khơi trong.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, tình cảnh nguồn nhân lực ngành địa ốc hiện nay là hình ảnh con thuyền trong gió bão. Chủ doanh nghiệp là chủ tàu buộc phải cắt giảm nhân sự và ném đi các vật dụng cồng kềnh (bán bớt tài sản) để giảm tải cho hành trình vượt khó. Ngược lại, bản thân những người trên thuyền nếu lo ngại tàu đắm cũng phải nhảy để thoát thân. Quá trình đào thải này là không thể tránh khỏi và cần thiết vì hướng tới một cấu trúc ngành cân bằng hơn trong tương lai.
Vũ Lê