Thứ Ba, Tháng 7 8, 2025

TP HCM mời gọi đầu tư 8 dự án bất động sản gần 11 tỷ USD

-

TP HCM mời gọi đầu tư 8 dự án bất động sản tại khu vực sáp nhập từ tỉnh Bình Dương, với tổng vốn khoảng 283.500 tỷ đồng (gần 10,8 tỷ USD), diện tích hơn 1.200 ha.

Theo thông báo từ Sở Tài chính tỉnh Bình Dương (cũ), các dự án được mời gọi đầu tư trong giai đoạn này gồm nhiều khu đô thị mới, khu hỗn hợp và khu nghỉ dưỡng quy mô lớn. Tập trung chủ yếu tại các khu vực phường Phú An, Tân Khánh, Dĩ An, Tân Đông Hiệp và xã Dầu Tiếng.

Danh sách bao gồm:

Tên dự án Địa điểm Vốn đầu tư (tỷ đồng) Diện tích (ha)
KĐT Tân An 1A Phường Phú An 68.570 274,7
KĐT Tân An 1B Phường Phú An 75.604 237,7
KĐT phía Bắc Vành đai 4 Phường Tây Nam 29.647 280
KĐT Giáo dục – Công nghệ Phường Tân Khánh 11.147 59,5
KĐT hỗn hợp Châu Thới Phường Đông Hòa 27.346 109,1
KĐT mới số 4 Phường Dĩ An 25.387 12,5
KĐT mới Tân Bình Phường Tân Đông Hiệp 27.658 32,5
Du lịch sinh thái Tha La Xã Dầu Tiếng 18.175 206,9

Trong danh sách tám dự án được TP HCM mời gọi đầu tư, khu đô thị Tân An 1B (phường Phú An) có tổng vốn lớn nhất, hơn 75.600 tỷ đồng. Liền kề là Tân An 1A, với quy mô gần 275 ha. Cả hai đều được quy hoạch phát triển đa dạng loại hình nhà ở như chung cư, nhà liền kề, nhà ở xã hội, đồng thời tích hợp hệ thống trường học, công viên và hạ tầng kỹ thuật hiện đại.

Dự án có diện tích nhỏ nhất trong danh sách là khu đô thị mới số 4, rộng 12,55 ha, được định hướng trở thành tổ hợp đa chức năng, với vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng.

Tại dự án phía Bắc đường Vành đai 4 (phường Tây Nam), khoảng 100 ha được dành phát triển các loại hình nhà ở, hơn 40 ha cho thương mại dịch vụ, phần còn lại là công trình công cộng và trường học. Trong khi đó, khu đô thị Giáo dục – Công nghệ được quy hoạch nhằm phát triển các sản phẩm nhà ở thương mại đan xen nhà ở xã hội.

Các dự án còn lại như khu đô thị hỗn hợp Châu Thới và khu đô thị Tân Bình tập trung xây dựng chung cư, nhà liền kề, văn phòng, thương mại dịch vụ, lưu trú cùng hệ thống giáo dục. Riêng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí Tha La (xã Dầu Tiếng) sẽ phát triển tổ hợp resort, khách sạn cao tầng, công viên chủ đề và khu vui chơi, với sức chứa tối đa gần 30.000 lượt khách mỗi ngày.

Toàn bộ các dự án nói trên dự kiến triển khai trong vòng 8-12 năm. Việc TP HCM mời gọi đầu tư loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại khu vực vừa sáp nhập được kỳ vọng tạo động lực hình thành các cực tăng trưởng mới ở phía Đông Bắc thành phố. Các dự án tập trung vào đô thị hóa, nhà ở xã hội, hạ tầng giáo dục, y tế và du lịch sẽ góp phần giãn dân, giảm áp lực nội đô và thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn. Đây cũng là bước đi quan trọng trong quá trình định hình các đô thị vệ tinh và tái cấu trúc không gian phát triển TP HCM sau sáp nhập.

Từ ngày 1/7, TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã chính thức hợp nhất thành TP HCM mới. Sau hợp nhất, GDP của TP HCM đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 1/4 GDP năm 2024 của cả nước; thu ngân sách chiếm gần 1/3 cả nước với 682.000 tỷ đồng.

Riêng khu vực tỉnh Bình Dương cũ, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận GRDP tăng 8,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 10% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 785 triệu USD.

Phương Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories