Dự án – được đầu tư từ vốn ngân sách – vừa khánh thành đã tạo thuận lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Đây là trục giao thông huyết mạch dẫn vào Khu Công nghiệp VSIP III, kết nối đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và tuyến đường Vành đai 4 TP HCM. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường từng bước góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo quy hoạch mạng lưới đường giao thông đô thị, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng như: Sân bay Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải giúp nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư của địa phương nói riêng và cả vùng nói chung.

Tuyến đường ĐT 746 vừa mới khánh thành đưa vào sử dụng
Công trình quan trọng thứ 2 là hợp long cầu Bình Gởi nằm trên tuyến đường Vành đai 3 – TP HCM bắc qua sông Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư trên 569 tỉ đồng. Cầu Bình Gởi có chiều dài 1,3 km, trong đó phần cầu dài 988 m, phần đường dẫn dài 312 m, bề rộng mặt cầu là 19,75 m. Hiện đã thi công đạt khối lượng 75% so với khối lượng hợp đồng, đơn vị thi công đang tiến hành đắp cát tuyến đường gom.
Thời gian qua, quan điểm xuyên suốt được tỉnh Bình Dương cũ xác định là “giao thông đi trước, mở đường” để tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển. Các dự án hạ tầng kết nối vùng không chỉ là những công trình giao thông đơn thuần mà còn khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ năng động hàng đầu của cả nước và khu vực.
Với việc Bình Dương hợp nhất vào TP HCM từ ngày 1-7, lợi thế lớn nhất về giao thông là việc xóa bỏ ranh giới hành chính, giúp các dự án hạ tầng giao thông liên vùng được triển khai một cách đồng bộ và liền mạch hơn. Qua đó, tạo ra một siêu đô thị kết nối, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.