Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam, quê ở xã Thường Tín, Hà Nội mới mua được một mảnh đất rộng khoảng 150 m2 trong ngõ. Vợ chồng anh dự tính xây một căn nhà 3 tầng với tổng chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Mức dự chi này đã gồm khoản dự phòng cho phát sinh khi xây.
Lên kế hoạch xây từ tháng 5 nhưng đến nay, anh Nam vẫn chưa khởi công vì dự toán liên tục thay đổi do giá vật liệu xây dựng (cát, đá, sắt, thép…) tăng mạnh. Đơn cử, giá cát bê tông hạt lớn (cát vàng) biến động theo ngày, hiện khoảng 850.000-900.000 đồng một m3, gấp đôi so với đầu năm. Còn cát xây tô (cát xây trát) dao động 400.000-500.000 đồng một m3, tăng 20% sau một tháng.
Sau khi tính toán lại, dự toán tiền xây nhà của vợ chồng anh Nam tăng hơn 20%. “Nhà thầu báo với dự chi ban đầu khó có thể xây được căn nhà có chất lượng như tôi mong muốn”, anh Nam nói và chia sẻ dự tính lùi kế hoạch đến cuối năm, chờ cơn “bão giá” vật liệu xây dựng đi qua.
Tình cảnh như anh Nam không hiếm gặp. Vợ chồng chị Vân, quê xã Khoái Châu, Hưng Yên, cũng bị đội chi phí xây nhà do giá vật liệu xây dựng liên tục biến động. Chị cho hay mới thanh toán xong phần thô cho căn nhà hai tầng, diện tích sàn 200 m2 một tầng với chi phí tăng thêm hơn 150 triệu đồng so với dự toán. Dù đã khởi công sớm vào đầu năm, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến chị bất ngờ.
Chị nói, căn nhà bước vào giai đoạn hoàn thiện, chi phí có thể cần thêm 20% do “giá cát tăng phi mã như vàng”, nguồn cung khan hiếm. “Tôi tính đến giải pháp bất đắc dĩ là giảm bớt một số hạng mục trong phần hoàn thiện, chứ tài chính hiện nay của gia đình khó có thể vay thêm để bù phần đội giá”, chị Vân nói.
- Giá vật liệu tăng mạnh khiến nhiều hộ dân chật vật. Ảnh: Ngọc Diễm
Chuyên gia tư vấn bất động sản Lê Quốc Kiên cho biết thị trường vật liệu xây dựng bước vào cơn “bão giá” từ giữa quý II. So với tháng 10/2024, các loại hình như cát, đá, bê tông tươi tăng mạnh nhất, dao động 20-50%. Ông Kiên ví dụ giá cát bê tông hạt lớn tại TP HCM vào tháng 6 đạt 520.000 đồng một m3, tăng 21% so với năm ngoái, còn đá xanh đắt thêm 26-52%. Ngoài ra, bê tông tươi (bê tông thương phẩm) cũng tăng gần 40%, đạt khoảng 250.000 đồng một m3.
Không chỉ vật liệu xây dựng, giá thi công phần thô các công trình nhà ở cũng leo thang 10%. Ông Kiên ví dụ, một căn nhà 60 m2, xây một trệt ba lầu có giá thi công trọn gói phần thô và nhân công hoàn thiện vào khoảng 1,3-1,4 tỷ đồng, tăng 100-200 triệu so với cuối năm ngoái.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong thiết kế, thi công xây dựng, KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty cổ phần Thiết kế xây dựng và đào tạo Kiến Thiết Việt) cho biết nửa đầu năm thường là giai đoạn cao điểm xây nhà vì vào mùa khô dễ dàng thi công, đồng thời kịp tiến độ có nhà trước Tết năm sau. Do đó, giá vật liệu xây dựng vào thời điểm này hàng năm có xu hướng tăng 5-10%.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, ông Hải cho biết nhiều vật liệu xây dựng tăng đột biến, trung bình 15-20% so cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả đá xanh, một loại vật liệu phổ biến trong thi công cũng trở nên khan hiếm. Đỉnh điểm vào khoảng tháng 5-6, tổng chi phí xây dựng nhiều công trình do đơn vị này tư vấn bị “đội thêm” 15-20% so với cùng kỳ do giá vật liệu xây dựng đắt đỏ.
“Nhiều khách hàng đã phải chọn giãn tiến độ thi công, điều chỉnh quy mô công trình, thậm chí cắt giảm một số hạng mục để đối phó với cơn bão giá vật liệu xây dựng thời gian qua”, ông Hải chia sẻ.
- Giá vật liệu tăng mạnh khiến nhiều hộ dân chật vật. Ảnh: Ngọc Diễm
- Một công trình xây thô tại TP HCM. Ảnh: An Cư
Theo báo cáo mới đây của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), nhiều vật liệu như cát, đá tăng giá đột biến trong tháng 6. Tại nhiều tỉnh thành, giá cát dao động 700.000-800.000 đồng một m3, có nơi vượt 1 triệu đồng, tăng 30-60% so với tháng trước. Với thép xây dựng, giá tăng bình quân 100.000-270.000 đồng một tấn, tùy các loại và từng vùng.
“Giá cát và đá xây dựng tăng cao khiến giá trị nhiều loại hình công trình đã tăng đến 3% so với tháng trước”, Viện Kinh tế xây dựng cho biết.
Lý giải tình trạng trên, ông Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng thời gian qua liên tiếp các dự án hạ tầng lớn được đầu tư gồm cao tốc, cảng biển, sân bay… cùng loạt khu đô thị, dự án bất động sản triển khai dọc cả nước khiến nhu cầu cát, đá, thép, xi măng tăng. Trong khi đó, nguồn cung ở nhiều địa phương có xu hướng khan hiếm do mỏ hết hạn, bị gián đoạn khai thác vì quá trình cấp phép chậm trễ, ách tắc, ảnh hưởng đến việc cung ứng ra thị trường.
“Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lớn đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng nóng trong nhiều tháng”, ông Bắc cho hay.
Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Kiên nhìn nhận nguyên liệu đầu vào, giá điện và chi phí vận chuyển tăng nhanh khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán vật liệu xây dựng để đảm bảo cân đối chi phí sản xuất. Cùng với đó, theo ông, tâm lý tích trữ hàng tại một số đại lý cũng góp phần khiến vật liệu khan hiếm hơn và bị đẩy giá trong ngắn hạn.
Trước tình trạng trên, giữa tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ và địa phương tăng cường kiểm tra, xử hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý vật liệu xây dựng. Để tháo gỡ khó khăn nguồn cung, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xác định các mỏ, nguồn cung, công suất, khả năng cung cấp để bảo đảm cân đối cung cầu.
Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng có thể tiếp tục tăng nửa cuối năm, chuyên gia khuyến nghị các nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư tập trung thiết kế công trình tối ưu, tránh lãng phí về chiều cao, vật liệu phủ và cấu kiện bê tông quá dày. KTS Huỳnh Xuân Hải cho rằng cần linh hoạt trong cách lựa chọn vật liệu, cấu trúc và giải pháp thi công để vừa cân đối ngân sách vừa phù hợp với nhu cầu và mong muốn thực tế của khách hàng.
Còn theo chuyên gia Lê Quốc Kiên, người dân trước khi xây nhà cần lên kế hoạch tài chính chi tiết, chủ động, đồng thời cân nhắc xây nhà vào mùa thấp điểm khi cơn “bão giá” hạ nhiệt. Họ cũng cần chọn nhà thầu có kinh nghiệm, uy tín và minh bạch trong quản lý chi phí, giúp tránh tình trạng đội vốn do thi công kém hiệu quả.
Ngọc Diễm