Sáng 9-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt – chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, chủ tịch UBND 19 tỉnh, thành phố có các dự án đường sắt trên địa bàn.
Tạo không gian phát triển mới
Hiện nay, cả nước đang triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Móng Cái; đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM.
Tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và giao 48 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Đến nay, các cơ quan, địa phương đã hoàn thành 23 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu; 17 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên đang triển khai thực hiện; 7 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ; 1 nhiệm vụ chưa đến hạn.
Trong đó, một số nội dung quan trọng đã hoàn thành như: trình Quốc hội thông qua Luật Đường sắt; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP và Nghị quyết số 127/NQ-CP triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án đường sắt; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể và cơ chế đặc thù cho một số dự án đường sắt.
Các cơ quan liên quan cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM; trình Quốc hội bổ sung các hình thức đầu tư vào dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (Nghị quyết số 227/2025/QH15).
Cùng với đó, tổ chức thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tổ chức triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng các dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh các công trình đường sắt góp phần tạo ra không gian phát triển mới; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hóa; góp phần hiện đại hóa đất nước; góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng chỉ rõ đã tách khỏi dự án đầu tư và giao các tỉnh, thành phố. Do đó, trên tinh thần chủ động, tích cực, hiệu quả, các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải chủ động triển khai, chỉ đạo các xã, phường và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vào dịp 19-8, để hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất vào cuối năm 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắtẢnh: CHINHPHU.VN
Hoàn thành xóa nhà tạm trước ngày 31-8
Trưa cùng ngày, tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, do Thủ tướng chủ trì, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà cho biết tính đến hết ngày 8-7, đã có 18/34 địa phương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 nhóm đối tượng gồm: người có công với cách mạng, hộ dân được hỗ trợ nhà ở theo hai Chương trình mục tiêu quốc gia và hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện thụ hưởng từ Chương trình phát động toàn quốc.
Cụ thể, 18/34 địa phương đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 đối tượng người có công, hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Chương trình phát động toàn quốc, gồm: Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai (Lào Cai, Yên Bái), Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên (Hưng Yên, Thái Bình), Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP HCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ.
Còn 16/34 địa phương chưa hoàn thành, gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Cà Mau.
Theo bà Nông Thị Hà, những kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực cao độ của các địa phương mà còn góp phần quan trọng rút ngắn khoảng cách tới đích chung toàn quốc. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại từ nay đến ngày 31-8 vẫn còn lớn. Cả nước cần tiếp tục triển khai xóa 25.232 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 18.799 căn đang thi công dở dang và 6.433 căn chưa khởi công.
Để hoàn thành mục tiêu đúng hạn, trung bình mỗi địa phương cần thực hiện khoảng 26 căn mỗi ngày, gồm gần 7 căn khởi công mới và khoảng 19 căn hoàn thiện để bàn giao. Phân theo nhóm đối tượng, khối lượng cần hoàn thành cụ thể như sau: 2.371 căn cho người có công với cách mạng (1.249 căn đang xây dựng, 1.122 căn chưa khởi công); 10.266 căn thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia; 12.635 căn thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát (10.271 căn đang xây dựng, 2.364 căn chưa khởi công).
Nhấn mạnh đây là giai đoạn “nước rút”, Thứ trưởng Nông Thị Hà cho rằng các địa phương phải huy động tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành để bảo đảm hoàn thành toàn bộ kế hoạch trong khung thời gian rất ngắn còn lại.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31-8, đúng dịp chào mừng 80 năm Quốc khánh 2-9; riêng việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 27-7 để tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn lực huy động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã vượt 17.802 tỉ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách trung ương, địa phương và các khoản vận động xã hội hóa.
Đặc biệt, chương trình đã thu hút sự chung tay của cộng đồng với hơn 113.400 lượt người tham gia, đóng góp tổng cộng trên 1 triệu ngày công lao động.
Làm việc nào dứt việc đó
Nói về các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải nỗ lực thực hiện, bảo đảm các mục tiêu đã đề ra theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là làm đến nơi đến chốn, làm việc nào ra việc nấy, làm việc nào dứt việc đó; tinh thần là vừa làm vừa điều chỉnh, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm đâu chắc đó, làm đâu được đấy, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Dù vậy, Thủ tướng cũng lưu ý phải trên cơ sở khoa học, an toàn, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm; triển khai nhiều nhiệm vụ một lúc nhưng có thứ tự ưu tiên.
Phải phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc
Nói về việc khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc ta là lòng yêu nước, thương nòi, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”, cả nước cùng chung tay, đồng lòng giúp đỡ những người không có nhà, những người đang phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát và đặc biệt là các gia đình có công với cách mạng, những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Nếu người dân còn thiếu đất để xóa nhà tạm, nhà dột nát thì chính quyền địa phương phải bố trí, bởi Đảng, Nhà nước ta chỉ có mục tiêu lớn nhất là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và lo cho dân được ấm no, hạnh phúc.
Cho rằng thời gian để hoàn thành mục tiêu đề ra còn rất ngắn và công việc còn lại không nhiều về số lượng nhưng lại là những việc khó và những ngày cuối này là những việc rất khó khăn, vì những việc dễ đã làm trước rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dành nhiều thời gian hơn, công sức hơn, sự quan tâm hơn, tham gia, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy một cách quyết liệt hơn để hoàn thành toàn bộ mục tiêu đã đề ra.