Thứ Bảy, Tháng 7 12, 2025

Hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở có thể được tính tiền sử dụng đất theo cách cũ

-

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thu 30-50% phần chênh lệch giá đất khi hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, nhằm giảm gánh nặng tài chính do bảng giá đất mới tăng cao.

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Ngoài phương án giữ nguyên quy định hiện hành, tức phải nộp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp theo bảng giá mới, Bộ đề xuất áp dụng lại cơ chế tính theo tỷ lệ phần trăm như trước đây.

Cụ thể, với những trường hợp chuyển đổi phần đất là vườn, ao nằm trong cùng thửa đất có nhà ở, hoặc có nguồn gốc liền kề nhà ở (nhưng bị tách thửa do yếu tố kỹ thuật từ trước năm 2004), Bộ Tài chính đề xuất thu tiền sử dụng đất theo tỷ lệ phần trăm thay vì toàn bộ chênh lệch. Mức thu là 30% phần chênh lệch giữa giá đất ở và đất nông nghiệp nếu diện tích nằm trong hạn mức giao đất ở. Với phần vượt hạn mức, người dân sẽ nộp 50% phần chênh lệch.

Theo Bộ Tài chính, nhóm đất vườn, ao liền kề nhà ở vốn được xem là “đất dự trữ để ở”, thường phát sinh khi người dân có nhu cầu tách hộ, xây nhà mới nhưng chưa được công nhận đất ở. Trước đây, những trường hợp này được áp dụng cơ chế tính tiền ưu đãi, giúp người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, quy định này bị bãi bỏ. Người dân phải nộp toàn bộ phần chênh lệch, tính trên toàn bộ diện tích chuyển đổi và thời gian sử dụng đất còn lại, không phân biệt nguồn gốc sử dụng đất hay hoàn cảnh cụ thể.

  • Bất động sản khu đông TP HCM với các dự án đất nền, nhà phố. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong khi đó, bảng giá đất mới tại nhiều địa phương được xây dựng tiệm cận với giá thị trường, khiến số tiền sử dụng đất mà hộ dân phải nộp tăng vọt. Có trường hợp, tiền sử dụng đất sau chuyển mục đích cao gấp nhiều lần so với trước đây, gây khó khăn lớn cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng ven đô thị, nơi nhu cầu tách hộ và hợp thức hóa nhà ở rất cao.

Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh chưa thể sửa đổi ngay luật, việc khôi phục cách tính cũ theo tỷ lệ phần trăm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực tài chính cho người dân. Đồng thời, phương án này vẫn bảo đảm được nguyên tắc tài chính đất đai và dễ thực hiện vì đã từng áp dụng ổn định trong thời gian dài.

Tuy nhiên, cơ chế đề xuất chỉ áp dụng cho các trường hợp có đất vườn, ao liền kề hoặc trong cùng thửa đất có nhà ở. Những trường hợp chuyển đổi từ đất nông nghiệp thuần túy như đất trồng trọt, canh tác sang đất ở vẫn phải nộp toàn bộ phần chênh lệch theo bảng giá đất mới, không thuộc diện ưu đãi.

Để có cơ sở đánh giá tác động chính sách, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo nhanh về tình hình thực tế khi tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng. Qua tổng hợp, nhiều địa phương bày tỏ đồng thuận với phương án áp dụng lại cơ chế tính theo tỷ lệ phần trăm, cho rằng phương án này vừa giảm nghĩa vụ tài chính cho người dân, vừa không ảnh hưởng đến việc quản lý đất đai.

Chính phủ đang xem xét các phương án để quyết định ban hành trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Đất đai, sửa đổi bổ sung nội dung này vào luật, nhằm đảm bảo thống nhất giữa quy định ở cấp luật và nghị định, đồng thời tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn sử dụng đất của người dân.

Trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở thường chỉ phải nộp một phần tiền sử dụng đất, tính theo tỷ lệ phần trăm chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp. Với diện tích trong hạn mức, mức thu là 30%; nếu vượt hạn mức, mức thu là 50%. Nhờ cách tính này, nhiều hộ dân, đặc biệt là ở nông thôn hoặc ven đô, có thể dễ dàng chuyển đổi đất vườn, ao liền kề nhà ở sang đất ở với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng luật mới, quy định này bị bãi bỏ. Người dân giờ đây phải nộp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đất nông nghiệp và giá đất ở, không còn được giảm theo tỷ lệ như trước, dù đất đã có nhà ở từ lâu. Bên cạnh đó, bảng giá đất mới tại nhiều địa phương lại tăng cao, khiến tiền sử dụng đất mà người dân phải nộp tăng đột biến, có trường hợp cao gấp nhiều lần so với trước đây. Điều này khiến không ít gia đình gặp khó khăn trong việc hợp thức hóa đất ở, nhất là khi nhu cầu tách hộ, xây nhà mới vẫn rất lớn.

Phương Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories