Báo cáo bất động sản nghỉ dưỡng mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm 2023, thị trường ven biển đóng băng. Biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung và sức cầu giảm mạnh so với cùng kỳ, thị trường ngủ đông trong 2 tháng vừa qua khi hàng loạt dự án đóng giỏ hàng và dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn hiện nay. Thanh khoản thị trường ở mức kém kỷ lục, lượng giao dịch ghi nhận mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Các dự án sơ cấp lẫn dự án mới đều có tình hình bán chậm dù những chính sách như hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng để hỗ trợ khách hàng.
Ở phân khúc nhà phố – shophouse biển, nguồn cung và thanh khoản ghi nhận xuống thấp nhất từ trước đến nay khi không có giao dịch thành công nào trong 2 tháng qua. Trước thực tế nghẽn dòng vốn của ngành địa ốc cũng như những bất ổn kinh tế, thanh khoản shophouse biển lao dốc. Một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu shophouse biển lên đến 30-40% giá bán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay song không thể vực dậy lực cầu đang rất yếu.
Cùng chung tình trạng thanh khoản bằng không trong 2 tháng qua như shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng, condotel (căn hộ du lịch biển) trầm lắng đến mức các chủ đầu tư phải liên tục dời thời gian bán hàng do chạy rumo (thăm dò giá bán) một thời gian dài nhưng chưa đạt lượng booking kỳ vọng.
Cushman & Wakefield Việt Nam cũng xác nhận cả nguồn cung lẫn thanh khoản của nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đều lao dốc trong 2 tháng đầu năm 2023. Đơn vị này đánh giá, do các tài sản ven biển phụ thuộc lớn vào thị trường đầu tư và khai thác hơn là mua để ở (sử dụng) nên trong quý đầu năm 2023 vẫn chịu nhiều sức ép bởi thắt chặt tín dụng, lãi suất cao và tâm lý người mua xuống thấp.
Ghi nhận của VnExpress, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Định, Phan Thiết, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu kéo dài chương trình chiết khấu, khuyến mãi 20-40% từ cuối năm 2022 đến nay để kích cầu cho rổ hàng cũ song thanh khoản gần như bằng 0. Hai tháng đầu năm rổ hàng mới cũng tạm khóa do thị trường rơi vào giai đoạn thấp điểm do vướng kỳ nghỉ Tết và các chủ đầu tư đều giữ trạng thái chờ các quyết sách của Chính phủ trong năm 2023-2024 để đưa ra định hướng mới.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản biển cho biết, họ ngần ngại xuống tiền mua bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ vì khó tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, thanh khoản thị trường thấp mà còn do các loại tài sản này còn bấp bênh pháp lý.
Ghi nhận thực tế, hiện nay nhiều dự án nghỉ dưỡng, xây dựng căn hộ du lịch được cơ quan Nhà nước chấp thuận thực hiện theo hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở. Các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng cho biết hiện các văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương đều dừng xử lý, cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trên đất không hình thành đơn vị ở như condotel, biệt thự biển. Lý do là chưa có cơ chế pháp lý quy định. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng, chủ đầu tư dự án, cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Võ Hồng Thắng – Phó giám đốc R&D DKRA Group – cho biết các chủ đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trong việc chào bán bất động sản nghỉ dưỡng khi toàn thị trường địa ốc gặp khó khăn thiếu vốn lẫn pháp lý. Thêm vào đó, động thái tăng cường kiểm soát tín dụng trong thời gian qua đã tác động đáng kể đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Thắng, dự kiến, trong tháng tới nguồn cung và sức cầu thị trường có thể dần cải thiện so với 2 tháng ngủ đông đầu năm, tuy nhiên mức tăng không đáng kể và đà hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đứng trước nhiều thách thức.
Vũ Lê