Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Loay hoay tìm cách thiết kế lối thoát hiểm cho nhà phố

-

Vì nhà không có cửa sau, 3 mặt tiếp giáp hàng xóm, Đức Anh đành chọn cách phá khung sắt ban công làm lối thoát hiểm.

Sau khi đọc thông tin về vụ cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng, Đức Anh (quận Đống Đa) gọi điện ngay tới một cửa hàng nhôm kính, nhờ cắt cửa ra trên chiếc “lồng sắt” ngoài ban công các tầng. Anh cho biết, vì có con nhỏ và muốn phòng trộm nên đã thiết kế lớp rào sắt bao phủ kín mặt tiền ngôi nhà từ 3 năm trước.

Đức Anh đang sống cùng bố mẹ, vợ và 2 con trong một ngôi nhà ống 5 tầng, diện tích 31 m2 nằm sâu trong ngõ nhỏ. Tầng một dùng làm nơi để xe, tầng 2 là phòng bếp và nơi tiếp khách, các tầng còn lại bố trí phòng ngủ và tầng tum để phơi quần áo. Lối đi duy nhất là cầu thang bộ nằm ngang, đặt ở cuối nhà.

Thời điểm xây nhà, vì muốn tận dụng tối đa không gian sinh hoạt cho gia đình 6 người, anh hoàn toàn không nghĩ đến thiết kế lối thoát hiểm phòng khi gặp sự cố. Đến nay, thấy bố mẹ và vợ lo lắng về nguy cơ hỏa hoạn, Đức Anh đành tìm một biện pháp “chữa cháy” tạm thời.

“Vì không có chuyên môn thiết kế, tôi loay hoay không biết mở lối thoát hiểm như thế nào cho hợp lý. Nhà có 3 mặt giáp hàng xóm, không có cửa sau, nên chỉ nghĩ được phương án phá khung sắt rào mặt tiền”, anh chia sẻ.

Giống như Đức Anh, Hà Phượng cũng đang sống cùng gia đình trong một căn nhà ống rộng khoảng 27 m2 trong trung tâm thành phố, mua sang tay từ 5 năm trước. Thiết kế ngôi nhà theo kiểu cũ, không ban công, chỉ có cửa sổ ở các phòng, đồng thời bố trí nan sắt để phòng trường hợp trẻ nhỏ nghịch ngợm, ngã từ trên cao xuống. Lối thoát duy nhất trong nhà là sân thượng, lâu nay vốn sử dụng làm nơi giặt phơi nhưng đã rào kín để chống trộm.

“Tôi đã nghĩ đến việc cải tạo lại để thiết kế hợp lý và an toàn hơn. Nhưng với diện tích nhà nhỏ hẹp, bố trí công năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đã khó, không dễ để bố trí thêm lối thoát hiểm”, Phượng cho biết.

  • Nhiều nhà dân trong một ngõ nhỏ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) rào kín mặt tiền bằng khung sắt. Ảnh: Thu Hương

Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty TNHH tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) cho biết, theo quy định nhà ở riêng lẻ không cần có thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, để phòng tránh các rủi ro có thể gặp phải, gia chủ nên lưu ý một số yếu tố quan trọng khi xây dựng, đặc biệt là về hệ thống cửa.

Với cửa chính, hạn chế sử dụng các loại có khung sắt kiên cố hoặc lắp phụ kiện tay khuỷu thủy lực vì cần dùng nhiều sức, ưu tiên các loại có chốt hãm, không dùng chìa khóa. Tại cửa sổ, ban công hay lô gia cần thiết kế dạng cửa mở để tiện sử dụng.

Những ngôi nhà phố có đặc điểm chung là diện tích nhỏ, hẹp và sâu, ít mặt thoáng. Vì vậy phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp, theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Thành (Công ty tư vấn kiến trúc và nội thất NTTart), thường chỉ theo hướng ban công và sân thượng.

Thực tế, do lo ngại về an toàn, nhiều gia chủ thường chọn bao kín xung quanh nhà lam, lưới, lồng sắt, cửa sổ có hoa sắt… Trường hợp này, khung sắt không nên hàn cố định mà phải thiết kế để dễ dàng đóng – mở từ bên trong.

“Một ngôi nhà cần đảm bảo có ít nhất 2 lối thoát hiểm”, ông Thành cho hay.

Với các ban công đã làm “lồng sắt” từ trước, gia chủ có thể thuê thợ cải tạo thành cửa có kích thước phù hợp, đủ rộng để người lớn chui ra ngoài khi gặp sự cố, theo tư vấn của kiến trúc sư. Gia chủ có thể thuê thợ từ các cửa hàng cơ khí, thi công cửa sắt, nhôm kính.

Đại diện một đơn vị gia công cửa sắt thuộc quận Hoàng Mai cho biết, mức giá dao động khoảng 500.000-600.000 đồng một chiếc, gồm phí cắt khung sắt có sẵn, lắp bản lề, sơn hoàn thiện và phụ kiện đi kèm. Chi phí trên có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí thực tế và độ dày của khung sắt.

Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung, với các nhà có trên một mặt thoáng, có thể bố trí thêm lối thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà. Nếu diện tích đủ rộng, nên bố trí giếng trời để giúp giảm thiểu lượng khói khi xảy ra hỏa hoạn.

  • Nhiều nhà dân trong một ngõ nhỏ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) rào kín mặt tiền bằng khung sắt. Ảnh: Thu Hương
  • Giếng trời, sân thượng cũng đóng vai trò là lối thoát hiểm. Ảnh: Cao Hòa

Giếng trời cũng đóng vai trò là một lối thoát hiểm, ông Trung nhấn mạnh. Bởi vậy, thay vì bịt kín khu vực này, gia chủ nên sử dụng khung thép, lắp mái che tự động hoặc kính cường lực để cản mưa nắng và lấy sáng.

“Có thể thiết kế thêm hệ thống thang leo hoặc dây cáp tại đây, đề phòng khi cần dùng đến”, ông Trung nói.

Để mua thang dây, gia chủ có thể đến các cửa hàng kinh doanh đồ bảo hộ lao động, như đường Yết Kiêu, Lê Duẩn (Hà Nội). Độ dài thang thường không có công thức tính chung, mà căn cứ vào chiều cao của ngôi nhà tới vị trí an toàn gần nhất, có thể là tầng một hoặc sân thượng nhà hàng xóm… dựa theo địa hình thực tế.

Ngoài các lưu ý về thiết kế nhà, kiến trúc sư cũng khuyến cáo về tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức và trang bị kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy đến các thành viên trong gia đình. Về cơ bản, mỗi người cần nắm được vị trí các lối thoát hiểm và nơi đặt thiết bị hỗ trợ như mặt nạ chống khói, búa phá kính… đi kèm với hướng dẫn sử dụng.

Thu Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories