Hơn 18.000 héc ta đất chưa được xử lý
Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước còn chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí. Bên cạnh đó, việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.
Theo cơ quan thẩm tra, trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai , khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước còn nhiều vi phạm. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án do chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. “Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý”, ông Mạnh nêu.
Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương. Đồng thời, cần giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Qua phản ánh của báo chí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm quan tâm đến một số công trình, dự án kéo dài nhiều năm, đội vốn không hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng diễn ra ở một số nơi. Ông đề nghị làm rõ việc giải quyết đối với các dự án trọng điểm ngành công thương, tuy đạt được kết quả ban đầu, song một số dự án triển khai rất chậm. Điển hình như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, kéo dài nhiều năm, cần phải làm rõ phương án xử lý. Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn 800 công trình dự án, bởi hiện mới có hơn 500 dự án được giải quyết, còn 379 dự án đang trong quá trình rà soát, cần chỉ rõ địa chỉ, nguyên nhân chưa thực hiện được.
Thủ tục pháp lý để giải phóng nguồn nhân lực
Liên quan đến các dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này. Nhờ đó, nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Thanh, vẫn còn khá nhiều công trình chậm tiến độ. Ông dẫn chứng, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành so với tiến độ Quốc hội giao là bị chậm.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến một số công trình mới hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác đã phải điều chỉnh, sửa đổi. Ông Thanh dẫn ví dụ về dự án cao tốc An Giang – Cần Thơ xuống Sóc Trăng, do thiếu đất cát, tiến độ chậm, nếu không khắc phục thì khả năng đội vốn xảy ra. Hay dự án đường Vành đai 4, công tác chuẩn bị chưa tốt nên chi phí thu hồi đất, bồi thường, tái định cư qua hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ tăng nhiều nghìn tỷ đồng.
Tương tự với thị trường bất động sản, theo ông Thanh, hiện tượng đầu cơ, người có tiền mua bất động sản để đấy, trong khi người có nhu cầu không tiếp cận được, tiền cứ để đấy, không đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. “Đề nghị cần có giải pháp xử lý tình trạng này, tránh việc nguồn lực xã hội bị “chôn” vào thị trường bất động sản. Cần giải quyết các thủ tục pháp lý để giải phóng nguồn lực này”, ông Thanh nêu.