Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, nhìn chung, việc giao và cho thuê đất thông qua đấu giá đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế xin – cho, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Việc này ngày càng được thực hiện phổ biến, mở rộng hơn về quy mô, tăng giá trị thu được qua từng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, Bộ Xây dựng hoạt động này cũng bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Cụ thể, trong quá trình tổ chức đấu giá, một số nơi có hiện tượng “cò đấu giá”, thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
“Hiện tượng trả giá rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường hay mua đi, bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến tại nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức”, cơ quản lý nêu trong báo cáo.
Chỉ trong hơn một tháng qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội đã gây xôn xao thị trường. Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lượng lô đất được bán ra. Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng một m2 – gấp 18 lần giá khởi điểm.
Theo Bộ, kết quả đấu giá đất vừa qua bị tác động bởi ba nguyên nhân gồm giá khởi điểm thấp thu hút nhiều người tham gia, số tiền đặt cọc để tham gia đấu giá thấp. Đồng thời, các cuộc đấu giá có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên nghiệp tham gia rồi bán lại ngay để kiếm lời. Ngay bên ngoài khu vực đấu giá, đám đông môi giới trực chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán với giá chênh 200 – 500 triệu đồng một lô đất.
“Kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, thị trường (cung, cầu) nhà ở, thị trường bất động sản”, Bộ Xây dựng cho biết.
Hệ lụy đầu tiên là mức giá trúng cao có thể lấy làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất tạo ra mặt bằng giá mới, thậm chí có thể cao hơn nhiều cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Điều này gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Tiếp đó, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang bán ở gần nơi đấu giá. Bộ Xây dựng cho biết trên thực tế, giá trúng đấu giá thường là giá cơ sở để tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá để chuyển nhượng bất động sản.
Thứ ba, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bất động sản bình dân với giá thấp, mà bắt buộc phải làm nhà cao cấp, siêu sang mới có thể thu hồi vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Thứ tư, mặt bằng giá đất cao cũng góp phần khiến doanh nghiệp không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Điều này làm cho các dự án không thu hút được đầu tư xây dựng, gây suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.
Cuối cùng, kết quả trúng đấu giá cao bất thường ảnh hưởng, gây khó cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các dự án sử dụng đất vào mục tích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội. Người dân có đất bị thu hồi cũng dễ bị kích động, có thể khiếu nại yêu cầu phương án bồi cao hơn, gây mất ổn định xã hội.
Trước những bất cập này, Bộ Xây dựng đề xuất, nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá đất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế theo hướng: tăng tiền đặt cọc, xác định giá khởi điểm sát với thị trường, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia với mục đích đầu cơ.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Anh Tú