Nội dung trên được nêu trong Nghị định 192 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực từ 1/7.
Theo đó, chủ đầu tư được tự quyết định giá bán, thuê mua nhà ở xã hội, căn cứ vào phương pháp xác định giá và lợi nhuận định mức. Họ được thuê tư vấn về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thẩm tra trước khi duyệt giá bán.
Chủ đầu tư cần gửi hồ sơ xây dựng giá bán về Sở Xây dựng. Sau đó, giá này sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở. Họ cũng phải thực hiện kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư, gửi hồ sơ này về Sở Xây dựng, sau 180 ngày nghiệm thu hoàn thành công trình.
Trong vòng 1 tháng, Sở sẽ có ý kiến về giá bán, thuê mua dự án. Nếu giá theo kết quả kiểm tra của Sở cao hơn mức chủ đầu tư đã ký hợp đồng, họ không được thu thêm phần chênh lệch của khách hàng. Nếu thấp hơn, phần chênh lệch giá này sẽ được hoàn trả cho người mua.
Cũng theo Nghị định, chủ đầu tư không được thu quá 95% giá trị hợp đồng trước khi người mua được cấp sổ đỏ.
Theo quy định trước đây, giá bán nhà xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức (tối đa 10%). Giá bán được UBND cấp tỉnh thẩm duyệt, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước. Đây là giá chính thức để khách hàng ký hợp đồng mua bán, thuê mua với chủ đầu tư.
- Một khu nhà xã hội ở phường Thủ Dầu Một, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Nghị định 192 cũng bổ sung các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa trục lợi chính sách nhà xã hội. Theo đó, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của hồ sơ quyết định giá bán, thuê mua. Họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm, tùy mức độ.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao kiểm tra, xử lý chủ đầu tư nhà ở xã hội chậm triển khai, không bảo đảm chất lượng công trình.
Năm nay, Thủ tướng giao chỉ tiêu cả nước cần xây xong hơn 100.000 căn nhà xã hội. Với Hà Nội và TP HCM, chỉ tiêu hoàn thành nhà xã hội năm nay lần lượt 4.670 căn và gần 2.900 căn.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ các vướng mắc phát triển nhà xã hội. Nghị quyết 201 thí điểm một số cơ chế đặc thù có hiệu lực từ 1/6 đã góp phần cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nhiều vướng mắc cho chủ đầu tư phát triển loại nhà ở này.
Về vốn tín dụng, lãi vay mua nhà ở xã hội cho người dưới 35 tuổi còn 5,9% một năm, tới hết 2025. Mức lãi vay của chủ đầu tư cũng giảm còn 6,4% đến cuối năm nay.
Ngọc Diễm