Thứ Ba, Tháng 4 15, 2025

Chung cư cũ, giấc mơ mới

-

Tôi lớn lên trong những khu tập thể cũ ở Hà Nội – nơi mỗi căn hộ vài chục m² chứa cả một gia đình.

Giữa những dãy nhà bốn, năm tầng là sân chơi, hàng nước, quán xá. Trên cao là rừng ban công “ba lô” và những ô cửa tò vò lọt giữa mạng dây phơi, mở ra không gian chung với đủ màu sắc và mùi vị của đời sống xóm giềng.

Nhìn chung, các khu tập thể (KTT) có lịch sử đặc thù, kiến trúc đặc trưng và lối sống cộng đồng đặc sắc. Lối sống “tập thể” kiểu “làng trong đô thị” đại diện cho thời kỳ khẩn trương tái thiết đất nước sau hòa bình lập lại.

Việt Nam hiện có hơn 2.500 khối tập thể cũ, nhiều khu đã quá niên hạn sử dụng 50-70 năm, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ. Hạ tầng kỹ thuật – cấp thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy – không còn đáp ứng nhu cầu; hạ tầng xã hội gồm y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh cũng thiếu. Hà Nội có nhiều nhà cũ nhất với khoảng 1.580 tòa. Hơn 200 tòa cấp độ nguy hiểm D cần di dời khẩn cấp nhưng tỷ lệ xây lại chỉ đạt 1,2% do vướng mắc bồi thường tái định cư và thiếu ngân sách.

Những đề xuất cải tạo tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy hiện nay dường như đều theo hướng thay thế dần các khối nhà cũ bằng vài tháp ở cao tầng, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư bằng việc đặc cách nâng số tầng cao giới hạn lên gấp đôi quy định, và chủ trương không tăng quy mô dân số. Quỹ đất dư sẽ dành một phần cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội, một phần cho cây xanh, và một phần không nhỏ cho đất thương mại để thu hút vốn đầu tư theo hướng đối ứng.

Còn tôi có giấc mơ: Việt Nam sẽ tái thiết các KTT cũ với tầm nhìn trăm năm để trở thành các chung cư “2.0” theo một số mô hình đột phá, tiên tiến, bền vững toàn diện về môi trường, văn hóa xã hội và kinh tế. Đặc biệt, mỗi khu sẽ trở thành những lá phổi xanh mới cho đô thị. Đây thực sự là cơ hội lớn, trong bối cảnh diện tích cây xanh trên đầu người tại Hà Nội chỉ chừng 2 m² và TP HCM là 0,6 m², thiếu quá xa so với mức tiêu chuẩn 10 m² mà Liên Hợp Quốc khuyến nghị. Nhưng tôi cũng lo lắng sức ép tiến độ và tư duy “truyền thống” sẽ đi theo cách làm quen thuộc, và mỗi lần có “tháp” (trên 40 tầng) mới hiện ra trong các đề xuất là dân đã lo cho hạ tầng giao thông, cấp thoát nước quá tải, hay an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trong bối cảnh đất nước vươn mình và hội nhập quốc tế sâu rộng, cần đặt những câu hỏi nền tảng nhất như: Tầm nhìn trăm năm đột phá nào? Các mô hình cải tạo hay xây mới khu ở tiên tiến và bền vững trên thế giới ra sao? Về tài chính, có những yếu tố nào gia tăng giá trị cho bất động sản ngoài quỹ đất thương mại “bám đường”?

Hãy cùng nhìn ra thế giới và học hỏi một số tiền lệ nổi tiếng mà trong khuôn khổ hạn hẹp chỉ xin giới thiệu đại diện.

  • Một số khu đô thị trở thành hình mẫu tiêu biểu trên thế giới sau tái thiết. Tổng hợp: Tác giả

Ở châu Á, các khu nhà ở xã hội điển hình ở Singapore (thường gọi là HDB) xây dựng từ thập niên 1960 đã cho thấy cách quy hoạch khôn ngoan. Mặt đường là các tòa đỗ xe thấp tầng, với tầng trệt dành cho thương mại, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng. Tầng mái dành cho giàn pin mặt trời và vườn nông nghiệp cộng đồng, vừa gắn kết xóm giềng vừa thêm mảng xanh. Các tòa ở cao tầng lùi vào trong, giảm ồn và bụi đường. Singapore có quy định các nhà phát triển bất động sản lấy đi bao nhiêu diện tích cây xanh trên mặt đất sẽ phải đền bù bấy nhiêu diện tích mảng xanh trên các vườn trên cao và vườn mái, để luôn giữ quốc đảo là một “Thành phố trong Vườn” (City in a Garden).

Những khu ở xây mới kiểu hình mẫu với quy mô khoảng 200.000 dân như Punggol (khu đô thị sinh thái đầu tiên, đã hoàn thành) và Tengah (mới xây một phần) mang tầm nhìn chiến lược về đô thị sinh thái, thông minh và bền vững. Punggol nổi bật với mô hình “Water Town” (khu đô thị sông nước), với “Punggol Waterway” là con sông uốn lượn như trục xương sống xanh nối các khu ở, hệ thống giao thông xanh gồm xe điện nhẹ trên cao (LRT), đường đi dạo và đạp xe. Các khối nhà ở cao 14-16 tầng, tối đa 18 tầng. Còn khu Tengah có thương hiệu “Forest Town” (khu đô thị trong rừng), với công viên trung tâm, hành lang xanh và vùng lõi cấm xe hơi. Các khối nhà chủ yếu cao 12-13 tầng, tối đa 16 tầng. Cả hai khu đều triển khai nhiều công nghệ thông minh như thu gom rác tự động, làm mát tập trung và năng lượng mặt trời, hướng tới các tòa nhà trung hòa carbon.

Ở châu Âu, Hammarby Sjöstad tại Stockholm, Thụy Điển là hình mẫu về khu đô thị sinh thái bền vững. Tái thiết từ một khu công nghiệp cũ ven hồ, Hammarby được quy hoạch với mật độ vừa phải, các khối ở cao 4-6 tầng, tỷ lệ thân thiện với con người và cảnh quan, nhưng vẫn đủ cho 25.000 cư dân. Các khối nhà bố trí mở, có không gian xanh và mặt nước, chiếu sáng tự nhiên và thông gió tốt. Các chức năng đan xen hiệu quả, với nhà ở, thương mại, dịch vụ, trường học và không gian công cộng trong bán kính đi bộ. Về môi trường, Hammarby đưa ra mô hình “vòng tuần hoàn sinh thái đô thị”, quy hoạch năng lượng, nước, rác thải và giao thông thành hệ thống khép kín – sử dụng năng lượng mặt trời, phân loại rác tại nguồn và tái chế. Phần lõi nhiều không gian mở và giao thông xanh như đi bộ, đạp xe kết hợp giao thông công cộng. Về xã hội, dự án khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình quy hoạch để có giải pháp bền vững và phù hợp nhất. Về kinh tế, đầu tư hạ tầng xanh và công trình tiết kiệm năng lượng giúp nâng cao giá trị bất động sản.

Ở Mỹ, dự án Harbor Point tại Boston cải tạo từ khu Columbia Point, là một khu chung cư xuống cấp, cô lập và trị an kém, thành một cộng đồng sống động và bền vững. Quy hoạch lại với mật độ vừa phải, chiều cao công trình 3-5 tầng, mở các kết nối giao thông và tạo không gian xanh ven biển. Khoảng 25% căn hộ dành cho người thu nhập thấp, xen kẽ với hộ trung lưu, tạo cộng đồng đa dạng và ổn định. Mô hình hợp tác công – tư giúp tăng giá trị bất động sản và cải thiện chất lượng sống.

Các dự án trên đây đem lại những bài học quy hoạch đô thị quan trọng: Áp dụng quy trình quy hoạch thiết kế tham dự – với sự tham gia của người dân và các bên liên quan trong suốt hành trình, chiều cao và tỷ lệ công trình thân thiện với con người và cảnh quan, lồng ghép không gian xanh và mặt nước vào khu dân cư mật độ cao, xây dựng hạ tầng cho giao thông xanh, và phần nào thúc đẩy mô hình “live-work-play” (sống – làm việc – vui chơi) tại chỗ để giảm đi lại, nhờ đó giảm phát thải từ giao thông.

Trở lại bối cảnh Việt Nam, việc cải tạo KTT cũ không chỉ đơn thuần là quy hoạch lại các tòa nhà, mà cần có tầm nhìn chiến lược và mô hình đột phá và bền vững. Tầm nhìn là tư tưởng lớn nhất dẫn dắt chiến lược phát triển, thí dụ Hà Nội sẽ thành thành phố toàn cầu và sinh thái, Thủ Đức thành thành phố thông minh và tương tác cao.

Về môi trường, các khu cải tạo cần trở thành những “lá phổi xanh” của thành phố. Không chỉ mảng xanh trên mặt đất như công viên, vườn hoa, hành lang xanh, mà cả những vườn trên cao, vườn mái và tường cây xanh trên các công trình mới đều đóng góp cho lá phổi sinh thái này.

Về xã hội, khác với các dự án xây mới, các KTT đã có cộng đồng lâu đời và đặc trưng riêng, lại được tái định cư tại chỗ, nên cần phát huy bản sắc từng khu và tạo các không gian cộng đồng mới hiện đại. Có thể chọn ra một trong các KTT, trong đó bảo tồn (có gia cố) một tòa tập thể cũ đại diện làm di sản kiến trúc xã hội chủ nghĩa thời hậu chiến, bên trong là các quán nhỏ xinh phong cách sáng tạo và bảo tàng căn hộ thời bao cấp để phục vụ tham quan và làm phim trường.

Về kinh tế, mô hình cải tạo cần giúp tăng giá trị bất động sản qua các yếu tố mới. Tư duy quy hoạch sao để tạo quỹ đất thương mại bám đường (kiểu “cận lộ” truyền thống) là chưa đủ. Tôi đề xuất tư duy mới – “nhất cận lục, nhị cận lam, tam cận trạm” – tức là nhà ở sẽ có giá trị cao hơn nếu gần không gian xanh (lục), gần mặt nước (lam) và gần các bến tàu xe (trạm) của hệ thống giao thông công cộng theo mô hình TOD tiên tiến. Bộ yếu tố giúp tăng giá trị bất động sản và sức hấp dẫn của môi trường sống này không mới, nhưng chưa được đẩy lên thành tầm nhìn cho các dự án.

Các ví dụ quốc tế đã giới thiệu đều “cận lục, cận lam, cận trạm” . Tuy nhiên, nếu nói điều gì nổi bật nhất để tạo bản sắc và thương hiệu riêng, thì Tengah Forest Town tiêu biểu cho “cận lục”, Punggol Watertown tiêu biểu cho “cận lam”, và tất cả đều “cận trạm”. Để hình dung “cận lục” giá trị cỡ nào, theo thống kê ở thị trường New York, những bất động sản có “view” ra Central Park có giá cao hơn khoảng 25-40% so với những căn không có view này. Trong các phương án tái thiết, ta có thể chủ ý quy hoạch một vài tòa và các căn hộ “cận lục, cận lam” hoặc có view ra đó để làm căn hộ thương mại (không phục vụ tái định cư), qua đó có thêm nguồn vốn thực thi dự án. Nếu cư dân muốn ở những căn này phải trả tiền ngang giá thị trường.

Về tổ chức thực hiện, thay vì dành ngân sách nhỏ lẻ lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho từng KTT và ra kết quả mờ nhạt, thiếu tính tổng thể (giả định trung bình 800 triệu đồng/khu như Trung Tự được duyệt, thì 76 khu cần 60 tỷ), thành phố nên dành khoảng 10 tỷ cho tổ chức thi quy hoạch theo quy trình tham dự kèm trưng cầu dân ý để ra tổng thể chiến lược phát triển cho 76 KTT (giúp các khu “phân vai” và “hô ứng” nhau) và tìm ra 4-5 mô hình “khu chung cư 2.0” đột phá. Mỗi KTT sẽ chọn mô hình 2.0 phù hợp nhất dựa trên bối cảnh của mình, và số tiền ngân sách còn lại (trung bình 650 triệu/khu) dành cho quy hoạch thiết kế 1/500 (tùy biến hóa) từ mô hình được chọn.

  • Một số khu đô thị trở thành hình mẫu tiêu biểu trên thế giới sau tái thiết. Tổng hợp: Tác giả
  • Công viên Central Park ở New York (trái), Boulevard Park của khu ở Tampines North ở Singapore (giữa, đang tái thiết) và Vinhomes Central Park Tân Cảng ở TP HCM. Tổng hợp: Tác giả

Tóm lại, các mô hình tái thiết đô thị thành công trên thế giới đều áp dụng quy trình tham dự để đưa ra tầm nhìn chiến lược, phát triển bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế, kết hợp yếu tố sinh thái và thông minh, đồng thời bảo tồn một số giá trị truyền thống theo hướng “vị nhân sinh”.

Nếu học hỏi sáng tạo từ những bài học này, có thể kỳ vọng vào một cuộc cách mạng tái thiết đô thị đột phá, cải thiện mạnh mẽ hình ảnh các đô thị lớn và nâng cao đời sống của hàng trăm nghìn cư dân.

Tô Kiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories