Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng chủ nhà trọ góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, lao động, người nhập cư. Do đó, HoREA đề nghị bổ sung nhóm này được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà cho thuê phù hợp với từng địa phương.
Chính sách ưu đãi hộ gia đình, cá nhân vay vốn để xây dựng, cải tạo nhà cho thuê đã được Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà xã hội. Mức vốn vay, thời hạn, lãi suất với nhóm này tương tự chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công hay nguồn tài chính công đoàn.
Theo đó, mức vốn vay tối đa 80% tổng mức đầu tư dự án, thời hạn cho vay tối thiểu 15 năm và không quá 20 năm. Lãi suất cho vay áp dụng theo ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội hoặc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính quy định mức thuế khoán thuế thu nhập cá nhân bằng 5% doanh thu với các chủ nhà trọ để “hợp tình hợp lý hơn”. Hiện, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, chủ nhà trọ có doanh thu dưới 100 triệu đồng trong năm sẽ không phải nộp thuế, còn trên 100 triệu đồng nộp mức thuế bằng 5% doanh thu.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị bố trí tái cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội hoặc cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại gồm Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội. HoREA cho rằng vì chưa bố trí được nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn trong giai đoạn 2015-2020 nên các chủ đầu tư và người mua “gần như không được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng” theo Luật Nhà ở 2014.
Ngọc Diễm