Thông tin này được nêu trong báo cáo Thủ tướng tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hôm nay (16/3).
Giai đoạn 2021-2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội (quy mô 411.250 căn) được triển khai, trong đó mới có 72 dự án (hơn 38.100 căn) hoàn thành. Còn lại 129 dự án (gần 115.000 căn) được khởi công, 298 dự án (hơn 258.000 căn) được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhiều địa phương đã tích cực trong thu hút đầu tư, khởi công dự án nhà ở xã hội như Bắc Ninh (15 dự án, 6.000 căn), Bắc Giang (5 dự án, hơn 12.400 căn), Hải Phòng (7 dự án, hơn 11.600 căn), Bình Dương (7 dự án, hơn 6.500 căn).
Ở chiều ngược lại, một số địa phương trọng điểm với nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, Hà Nội chỉ dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, mới đáp ứng được 9% nhu cầu. Tương tự, TP HCM có thể đưa vào sử dụng 7 dự án, quy mô gần 5.000 căn, tương đương 19% nhu cầu. Đà Năng dự kiến hoàn thành 5 dự án, với 2.750 căn, đáp ứng 43%.
Bộ cũng chỉ ra loạt địa phương không có dự án nhà ở xã hội nào khởi công trong 3 năm qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
Có ba nguyên nhân chính, theo Bộ Xây dựng, khiến việc phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Thứ nhất, cơ chế, chính sách phát triển loại hình nhà ở này chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, điều kiện thuê, mua nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn.
“Các luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản mới đã có quy định khắc phục những vấn đề này, nhưng phải đến năm 2025 mới có hiệu lực. Vì vậy, đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn gặp khó khăn”, bộ cho hay.
Đồng thời, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khi chưa đưa các chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và 5 năm; chưa xác định rõ quỹ đất nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Một số địa phương có nhiều dự án được chấp thuận đầu tư nhưng chính quyền các cấp chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư để triển khai. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương chưa quyết tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền.
Cuối cùng, nguồn vốn ưu đãi 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội cũng chưa được giải ngân hiệu quả. Đến nay, mới có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay trên tổng số 129 dự án đã khởi công. Như vậy, còn 59 dự án nằm ngoài danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất chưa thực sự thu hút người vay dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất gói 120.000 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, lãi suất áp dụng với chủ đầu tư là 8% một năm và 7,5% với người mua nhà. Thời hạn ưu đãi lãi suất cũng ngắn, lần lượt là 3 năm và 5 năm với hai đối tượng trên.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất gói vay 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn. Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất giai đoạn 2024-2025, Ngân hàng Chính sách xã hội được cho khách hàng cá nhân vay mua nhà ở xã hội 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp 50%, mỗi năm 3.000 tỷ. Giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 12.280 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Anh Tú