Ngày 12/5, Quốc hội thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Quy định hiện hành không cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi của kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án với lỗ trừ mảng kinh doanh khác khi xác định thu nhập tính thuế. Việc này để đảm bảo đóng góp ngân sách với các khoản lợi nhuận lớn từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã “mở” với quy định này, để tháo gỡ vướng mắc và công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với đơn vị khác.
Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn tỉnh Thanh Hóa đồng ý nên cho phép doanh nghiệp bất động sản được bù trừ lỗ. Tuy nhiên, ông lưu ý điều kiện, tiêu chí đưa ra không để doanh nghiệp có chủ đích tạo ra lỗ để giảm thuế, trục lợi chính sách và xử lý nghiêm hành vi gian lận với đơn vị bù trừ lỗ sai quy định.
- Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày 12/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đề nghị có quy định “mở” hơn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng được ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nêu.
“Doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản lời còn mảng khác lỗ. Chúng ta không cho họ khấu trừ sẽ không hợp lý”, ông nói, đồng thời đề nghị bổ sung quy định phòng ngừa để đảm bảo khách quan giữa các doanh nghiệp.
Trước đó, tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này cho biết cũng có ý kiến lo ngại về rủi ro khi thực hiện chính sách này, vì doanh nghiệp có thể lợi dụng làm giảm nghĩa vụ thuế kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư thông qua việc được bù trừ với lỗ từ mảng kinh doanh khác. Tức là, doanh nghiệp có thể được hạch toán lỗ có chủ đích.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động kỹ hơn và chịu trách nhiệm khi thực hiện để loại trừ rủi ro, tránh bị lợi dụng chính sách và ảnh hưởng đến số thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về chuyển lỗ của doanh nghiệp. Theo đó, công ty có lỗ (gồm đơn vị chuyển nhượng quyền hoặc dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản) được chuyển khoản này sang năm sau và trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian doanh nghiệp được chuyển lỗ tối đa 5 năm.
Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn TP Cần Thơ, cho hay thực tế nhiều doanh nghiệp cố tình báo lỗ để trốn thuế, nhưng việc xử lý khó khăn, không kịp thời. Ông cho rằng cần bổ sung tiêu chí cụ thể hơn về chủ thể này, để tránh trục lợi chính sách.
Ngoài ra, thời gian doanh nghiệp được chuyển lỗ tối đa 5 năm, ông Nghĩa nói quá dài. “Cần điều chỉnh, tránh doanh nghiệp lợi dụng chuyển lỗ giảm thu nhập tính thuế. Khi đó, đơn vị kinh doanh kém buộc phải nỗ lực cải thiện tình hình”, Phó trưởng đoàn TP Cần Thơ đề nghị.
Liên quan tới ưu đãi thuế, theo dự luật mức ưu đãi 15-17% không áp dụng với thu nhập từ chuyển nhượng vốn bất động sản, dự án đầu tư và khai thác tài nguyên quý hiếm. Theo ông Nghĩa, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền tham gia dự án đầu tư mà không được ưu đãi thuế sẽ cản trở hoạt động mua bán sáp nhập, tái đầu tư khi xu hướng này ngày càng phổ biến.
“Việc không được nhận ưu đãi có thể làm giảm động lực cho các nhà đầu tư”, ông nói và đề nghị mở rộng ưu đãi này với các loại hình bất động sản công nghiệp, logistics hoặc khu công nghiệp công nghệ cao; chuyển nhượng vốn trong trường hợp tái cơ cấu doanh nghiệp.
Anh Minh