Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ về hội nghị 10 năm phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng gói tín dụng mới 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo loại nhà ở này. Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thành trong tháng 10.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Trước đó, cuối tháng 5, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội, với lãi suất thấp hơn 3-5% lãi vay thương mại, kỳ hạn 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
“Gói ưu đãi này sẽ tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay tiền mua nhà”, Bộ cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, gần 1% tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này, 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, nâng tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng.
Việc chậm giải ngân gói tín dụng ưu đãi này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Tính đến giữa tháng 7, cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn. Nếu tính cả dự án đã khởi công và hoàn thành, cả nước đạt gần 36% chỉ tiêu đến 2025.
Tại Hà Nội và TP HCM, việc xây nhà ở xã hội còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu. Chẳng hạn, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, khoảng 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Ngọc Diễm