Thứ Bảy, Tháng 5 10, 2025

TP HCM quy hoạch thêm 3.800 ha khu công nghiệp

-

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030 vừa được công bố, TP HCM bổ sung 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.833 ha.

Quy hoạch do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) công bố hôm 9/5, chi theo 3 giai đoạn mở rộng. Cụ thể, giai đoạn 3 năm tới phát triển 4 khu công nghiệp mới tổng diện tích hơn 1.000 ha, gồm: Phạm Văn Hai I và II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân.

Giai đoạn 2027-2030 sẽ phát triển thêm 5 khu với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Trong đó, lớn nhất là Khu công nghiệp Hiệp Phước 3 rộng 500 ha. Đến thời kỳ 2030 đến 2033, TP HCM mở tiếp 5 khu với tổng điện tích 1.200 ha.

*Quy hoạch 14 khu công nghiệp mới TP HCM 2025-2033

Giai đoạn Khu công nghiệp Diện tích (ha)

Giai đoạn 1

(2025–2027)

Phạm Văn Hai I 379
Phạm Văn Hai II 289
Vĩnh Lộc 3 200
Nhị Xuân 199

Giai đoạn 2

(2027–2030)

An Phú 328
Trung An 300
Lê Minh Xuân 4 200
Phạm Văn Hai III 238
Hiệp Phước 3 500

Giai đoạn 3

(2030–2033)

Tân Phú Trung 2, 3, 4 600
Bình Khánh 1 300
Bình Khánh 2 300

Thành phố định hướng phát triển các khu công nghiệp mới theo mô hình thông minh, hiện đại, chuyên ngành, mục tiêu hình thành các cụm liên kết ngành bên trong khu và giữa các khu công nghiệp lân cận.

Hepza cũng sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện có tính đến mở rộng không gian công nghiệp sau khi sáp nhập các khu công nghiệp của Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP HCM, nhằm phát huy lợi thế từng nơi và tăng hợp tác phát triển.

TP HCM hiện có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha. Trong đó, 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động và được định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp trong giai đoạn tới.

Các khu hiện hữu sẽ được chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tái cơ cấu theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hepza đã nghiên cứu lập đề án chuyển đổi thí điểm tại: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Cát Lái, Khu công nghiệp Bình Chiểu để chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ; trung tâm logistics.

  • Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 vào tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại Hội nghị công bố quy hoạch của Hepza chiều 9/5, nhiều doanh nghiệp đề nghị TP HCM sớm có bộ tiêu chí rõ ràng về ngành nghề được đầu tư, các ưu đãi tại các khu công nghiệp sau khi chuyển đổi và phát triển khu mới.

Nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc tính toán quỹ đất cho cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và tiện ích xã hội trong việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình sinh thái hoặc công nghệ cao. Ngoài ra, các khu công nghiệp lớn cần đảm bảo nguồn điện 4.500 MW, khối lượng nước từ 15.000 – 20.000 m3/ngày.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá sau hơn 30 năm phát triển, công nghiệp của thành phố phát triển đã tới hạn, nguồn lao động, quản trị, công nghệ đều lạc hậu. Do vậy, nền công nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ để giữ được khả năng cạnh tranh và tăng trưởng.

Tính đến quý I/2023, công nghiệp – xây dựng chiếm 20,1% cơ cấu GRDP địa phương. Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 11/3, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh vào các khu công nghiệp – khu chế xuất chỉ đạt 86,74 triệu USD, bằng 14,46% kế hoạch năm và giảm 56,91% so với cùng kỳ, theo Hepza.

Ông Hoan yêu cầu 17 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu chủ động xây dựng đề án chuyển đổi công nghệ, kích thích cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu từng bước chuyển đổi công nghệ sạch, xanh, thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Avison Young, TP HCM tiếp tục tập trung thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao trong quý I. Dự án nhà máy sản xuất sinh phẩm huyết tương đã được khởi công tại Khu Công nghệ cao (SHTP). Địa phương cũng sẽ có nhà máy bán dẫn dự kiến khánh thành năm nay.

Hãng tư vấn bất động sản Canada nhận định TP HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư chất lượng cao, lan tỏa tác động sang các địa phương lân cận. Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới hơn 3.800 ha. Bình Dương ghi nhận kế hoạch đầu tư một trung tâm dữ liệu quy mô lớn còn Long An khởi công khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của tỉnh.

Anh Kỳ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories