Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Người dân khó mua nhà vì giá quá cao

-

Việc người mua nhà để ở đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, theo Ủy ban Kinh tế, gây hậu quả xấu cho phát triển kinh tế xã hội nên cần xử lý triệt để.

Sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 38, thảo luận báo cáo kinh tế xã hội 2024. Nhiều lo ngại về thị trường bất động sản được Ủy ban Kinh tế nêu tại báo cáo thẩm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội 2024, kế hoạch 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn khó khăn. Tuy vậy, cơ cấu sản phẩm thiếu cân đối khiến giá chung cư sơ cấp (chủ đầu tư mở bán ra thị trường) và thứ cấp bị đẩy lên cao.

Theo số liệu của hãng tư vấn bất động sản CBRE, trong quý III, giá sơ cấp tăng bình quân gần 9% theo quý và 26% theo năm. Hơn 75% tổng nguồn cung mới trong quý này đến từ phân khúc cao cấp, từ 60 triệu đồng một m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì). Quý III chỉ có hai dự án được chào bán trong khoảng 55-60 triệu đồng một m2. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ leo thang, mức 41% theo năm, lên 51 triệu đồng một m2.

Tương tự, đất nền cũng leo thang đáng kể tại các quận nội thành, ven đô Hà Nội, nhất là các huyện có thông tin lên quận. Số liệu của CBRE cũng cho thấy, giá nhà liền thổ tăng 16% trong quý III và gần 27% theo năm, đạt 235 triệu đồng một m2. Mặt bằng dự án mới neo cao cũng đẩy giá chuyển nhượng các dự án cũ tăng “ăn theo”. Giá thứ cấp trung bình của nhà liền thổ đạt 167 triệu đồng một m2, tăng gần 7% theo năm.

“Giá nhà tăng quá cao khiến người dân có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Ngay với nhà ở xã hội, họ cũng không thể mua do thủ tục phức tạp, tình trạng đầu cơ và chênh giá lớn với mức chủ đầu tư mở bán”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

  • Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp sáng 9/10. Ảnh: Trung tâm báo chí

Nguyên nhân khiến giá nhà tăng đột biến do nguồn cung căn hộ khan hiếm. Số lượng dự án hạn chế, trong khi nhu cầu của khách hàng, nhất là các gia đình trẻ rất lớn.

Với nhà ở xã hội, cơ quan thẩm tra nêu thực tế, loại nhà này được mua bán, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí người nước ngoài – không phải những đối tượng có nhu cầu thực, được hưởng chính sách về loại nhà ở này. Ủy ban Kinh tế dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng, nêu thực trạng nhiều người nước ngoài thuê, sống trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh – hai thủ phủ công nghiệp phía Bắc.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp, biện pháp mạnh với vi phạm chính

Một lo ngại khác về thị trường địa ốc, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, là tái diễn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. Việc này tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

“Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ. Trong khi đó người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt khả năng chi trả của họ”, ông Thanh nói.

Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, tỷ lệ lấp đầy sau phân lô, bán nền tại nhiều vùng ngoại thành của các thành phố lớn rất thấp, khoảng 5%. Tức là, sau nhiều năm thực hiện phân lô, bán nền 100 lô đất, chỉ có 5 lô được sử dụng (xây nhà), còn 95 lô bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Chưa kể, tồn kho bất động sản dở dang cao, khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang nhiều năm. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.

Ủy ban Kinh tế lo ngại thực trạng này sẽ để lại hậu quả xấu, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội. “Đã đến lúc cần xác định đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của xã hội, thay vì là hàng hóa mua đi bán lại kiếm lời, để có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này”, theo báo cáo thẩm tra.

  • Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp sáng 9/10. Ảnh: Trung tâm báo chí
  • Khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, Hoài Đức cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km có hàng chục lô trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Ảnh: Phạm Chiểu

Thực tế, hơn một tháng qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra. Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng một m2 – gấp 18 lần mức khởi điểm.

Trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 9, Bộ Xây dựng nhận xét hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Điều này ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất công khai danh tính người đấu giá đất rồi bỏ cọc, để hạn chế trục lợi, thổi giá gây lũng loạn thị trường.

Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, người dân tiếp cận được nhà ở, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, tăng quản lý, giám sát và tăng nguồn cung cho thị trường. Việc này nhằm ổn định, thúc đẩy thị trường và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, các Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, tức sớm 5 tháng so với kế hoạch ban đầu, nhưng đến nay 13 địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn.

Góp ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét việc nhiều địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn khiến chính sách chậm đi vào cuộc sống, không phát huy tác dụng tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ông đề nghị Chính phủ thúc giục các địa phương đẩy nhanh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành 3 luật liên quan bất động sản, không để chậm hơn nữa.

Anh Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories