Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Kiếm tiền từ nhà đi thuê

-

Muốn ở nhà đẹp khi chưa có nhiều kinh phí, Hoài Phương (TP HCM) thuê một căn hộ 2 phòng ngủ, tại quận 4, vừa để ở vừa kinh doanh dịch vụ studio.

Căn hộ 90 m2 cô chia thành hai phần, một phòng ngủ 20 m2 làm chỗ nghỉ riêng tư, phòng khách và phòng ngủ còn lại được thiết kế đẹp để cho thuê chụp ảnh. Riêng khu bếp là không gian sử dụng chung, khách thuê có thể ngồi trang điểm hoặc chuẩn bị đồ chụp. Đây cũng là nơi Phương nấu ăn mỗi ngày, chỉ cần đảm bảo dọn dẹp sạch sẽ sau khi sử dụng.

Phương cho biết, với chi phí trung bình khoảng 150.000-180.000 đồng một giờ, dịch vụ cho thuê studio đem lại một khoản thu nhập tương đối đều đặn mỗi tháng. So với việc phải chi toàn bộ số tiền thuê nhà và cải tạo nội thất chỉ để ở, việc kết hợp kinh doanh giúp cô có thể sống trong không gian hiện đại, đủ tiện nghi và rộng rãi như ý muốn.

“Lựa chọn này rất phù hợp với người có đam mê về nội thất, muốn được sống trong nhà đẹp và thay đổi phong cách thường xuyên, nhưng lại không có điều kiện kinh tế quá dư dả như tôi”, Vy chia sẻ.

  • Căn hộ của Phương được thiết kế theo phong cách hiện đại, phòng khách được thay đổi concept thường xuyên để phục vụ cho thuê studio. Ảnh: Trung Anh

Có cùng mong muốn tiết kiệm chi phí ở hàng tháng, Dũng (Hà Nội) chọn thuê một căn nhà phố 4 tầng, diện tích hơn 80 m2 nằm trong ngõ lớn ở một quận nội thành, sau đó cải tạo lại nội thất và sử dụng tầng trên cùng để ở. Tầng một là bếp và chỗ để xe, tầng tum là không gian giặt phơi, riêng tầng 2-3 có tổng 4 phòng được tận dụng cho thuê dạng phòng nghỉ airbnb.

Với đơn giá trung bình 600.000-700.000 đồng một đêm lưu trú, 4 phòng nghỉ cũng mang lại cho Dũng nguồn thu nhập ổn định bên cạnh công việc chính. Mất kha khá thời gian cho quảng cáo, tiếp cận khách hàng và vận hành nhưng bù lại, anh hài lòng khi “lời” thêm được một chỗ ở khang trang giữa trung tâm thành phố.

Theo KTS Đoàn Mạnh (Combo Home), việc kết hợp ở và kinh doanh tại nhà thuê là xu hướng đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng chỉ thực sự nở rộ gần đây. Dưới góc độ kinh doanh, ưu điểm lớn nhất của mô hình này là tận dụng được mặt bằng do chủ nhà xây dựng sẵn, do đó đỡ nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, còn tiết kiệm thời gian di chuyển, nếu quy mô nhỏ còn giảm được chi phí vận hành do vẫn áp dụng giá điện – nước sinh hoạt, phí trông giữ xe như cư dân thông thường (trường hợp thuê căn hộ chung cư).

Tuy nhiên, người kinh doanh cũng phải đối diện với không ít rủi ro, theo ông Mạnh. Phổ biến nhất là trường hợp một trong hai bên chấm dứt hợp đồng, có thể là chủ nhà đòi lại mặt bằng hoặc người thuê kinh doanh không thành công. Thứ hai là khi chọn phải căn nhà quá cũ nát, cần đập dỡ tường, ốp lát, chạy lại đường điện nước… rất tốn kém nhưng khi trả mặt bằng, khoản tiền này không thể lấy lại, chưa kể trường hợp chủ nhà yêu cầu bàn giao lại hiện trạng như ban đầu.

Nói thêm về các ưu – nhược điểm của mô hình này, KTS Nguyễn Trường Thành (NTTart) cho rằng người ở sẽ có lợi ích “kép” khi có thể sở hữu không gian sống như ý muốn với chi phí thấp, thậm chí có thể tăng thu nhập nếu kinh doanh suôn sẻ. Tuy nhiên, việc này cũng có nhiều bất tiện khi phải chia sẻ không gian sống, nguy cơ mất an ninh khi nhà thường xuyên có người lạ ra vào. Chưa kể, kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng đòi hỏi phải có đủ giấy phép hoạt động.

“Trước khi có ý định kết hợp cùng lúc mục đích ở và kinh doanh, người thuê cần chuẩn bị và lường trước những điểm được – mất, đồng thời có kế hoạch chi tiết và lâu dài”, ông Thành chia sẻ.

Để hạn chế rủi ro gặp phải, KTS Đoàn Mạnh khuyên những người có ý định kết hợp kinh doanh tại nhà thuê nên cần xác định rõ định hướng, nếu mục đích chính là kinh doanh thì nên tiến hành khảo sát kỹ địa điểm xem có phù hợp với sản phẩm dịch vụ, đối tượng khách hàng mình hướng đến hay không. Ngoài xem xét về diện tích, bãi giữ xe, lối ra vào, hàng xóm…, còn chú ý kỹ đến hiện trạng. Ưu tiên những căn nhà phù hợp, ít phải sửa chữa lớn, đẩy thời gian thi công, cải tạo lên nhanh nhất có thể, nếu được thì chỉ gói gọn trong vòng một tháng.

Ngay từ đầu, phải hoạch định được những hạng mục cần triển khai, chi phí và thời gian sửa chữa dự kiến. Quá trình thi công thường gồm 3 phần: Thô (xây dựng, chống thấm), hoàn thiện (ốp lát, thạch cao), nội thất (bàn ghế, tủ kệ, đèn). Chi phí được tính dựa trên quy mô, hiện trạng, phong cách thiết kế, vật liệu…, dao động trong khoảng 2-5 triệu đồng một m2. Với quy mô nhỏ, người thuê có thể tự thực hiện để tiết kiệm chi phí. Quy mô lớn thì sẽ cần đơn vị chuyên nghiệp lên ý tưởng, bản vẽ, bóc tách vật liệu và đưa ra dự toán chi tiết.

Một phần quan trọng nữa là người kinh doanh chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức về pháp lý, chuyên môn bán hàng, marketing, quản trị… Hợp đồng thuê phải có các điều mục rõ ràng về chi phí, đặt cọc, thời hạn, sửa chữa, khoản phạt cho từng trường hợp cụ thể. Lưu ý chủ động đăng ký kinh doanh, chuẩn bị đủ pháp lý để tránh gặp phải rắc rối khi vận hành.

Tiền thuê nhà cần chuẩn bị sẵn sàng tối thiểu từ 6-12 tháng, đồng thời tính toán kỹ lưỡng về bài toán “đầu tư bao lâu sẽ thu hồi vốn”. Vì thời gian đầu kinh doanh luôn khó khăn nhất nên cố gắng đàm phán để giảm chi phí thuê cố định và vận hành hàng tháng xuống thấp nhất, nhờ chủ nhà hỗ trợ trong quá trình sửa chữa.

Thu Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories