Độc giả Ngọc Hân
Theo kiến trúc sư Đào Xuân Quang (Công ty Quang Architects & Partners), phòng karaoke gia đình được nhiều gia chủ đề nghị đưa vào thiết kế khi có kế hoạch làm nhà. Phòng karaoke gia đình là nơi quây quần, gắn kết các mối quan hệ. Không chỉ để hát, không gian này còn là nơi nghe nhạc, xem phim của nhiều gia đình.
Để có một phòng karaoke đạt chuẩn, công trình phải có diện tích đảm bảo, công năng phù hợp với tổng thể, đơn vị thi công chuyên nghiệp, có bản vẽ thiết kế và thi công cách âm, tiêu âm cụ thể.
Diện tích phòng karaoke gia đình có thể áp dụng theo quy chuẩn pháp luật (Nghị định 54), tối thiểu 20 m2, không kể công trình phụ.
Phòng hát quy mô vừa và nhỏ: Diện tích tối thiểu 20-25 m2, thiết kế với phong cách hiện đại, gam màu tươi sáng để tạo cảm giác phòng rộng, lớn hơn. Phòng hát loại này thường ứng dụng trong nhà phố, biệt thự phố.
Phòng quy mô lớn: Diện tích tối thiểu 30 m2, có sân khấu trình diễn, thường được thiết kế với phong cách cổ điển, kết hợp tone màu trầm để tạo sự sang trọng, đẳng cấp. Thiết kế ứng dụng với biệt thự hoặc siêu biệt thự.
Để đảm bảo cho việc cách âm, tiêu âm, chiều cao tối thiểu của phòng karaoke gia đình phải từ 2,5-3,5m.
Gia chủ cần lựa chọn giải pháp cách âm phù hợp cho từng vị trí tiếp giáp với không gian xung quanh.
– Cách âm hệ thống cửa đi, cửa sổ, xử lý kín mọi khe hở với các vật liệu như: Foam, ron cửa chống ồn, nẹp cao su.
– Cách âm tường: sử dụng vật liệu dày bằng gạch vữa, thạch cao, gỗ đặc. Bên cạnh đó, có thể dùng vôi vữa, lớp nhung tạo hình các chi tiết nhỏ làm gồ ghề bề mặt tường hoặc bố trí nội thất gỗ (tủ, kệ âm tường) để giảm tiếng ồn.
– Cách âm trần nhà: Sử dụng giải pháp trần thạch cao kết hợp với vật liệu từ bông thủy tinh hoặc phun bọt xốp PU Foam.
– Cách âm nền nhà: Sử dụng vật liệu dày, tiêu âm tốt như gỗ đặc, nhựa, dùng tấm thảm lót dày.
Phòng karaoke gia đình thường được bố trí ở tầng trệt để không phải xử lý cách âm nền nhà, thuận tiện di chuyển, bố trí thoát hiểm. Các tầng khác vẫn bố trí được nhưng chi phí tốn kém hơn, xử lý nhiều vấn đề về cách âm, tiêu âm, dễ ảnh hưởng đến các không gian tĩnh (phòng ngủ).
Theo kiến trúc sư, các gia chủ cần suy nghĩ kỹ và tính toán cụ thể trước khi quyết định làm phòng karaoke gia đình bởi nhu cầu có thể thay đôi, đầu tư lớn nhưng tần suất sử dụng không nhiều sẽ gây lãng phí. Gia chủ cũng cần có giải pháp chuyển đổi sang các không gian phù hợp hơn với nhu cầu (Phòng sinh hoạt chung, phòng trưng bày, phòng đọc sách, phòng xem phim).
Như Loan