Độc giả: Văn Quyết
Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) trả lời câu hỏi của độc giả như sau:
Theo như chia sẻ của bạn, có hai nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ngấm như trên:
Thứ nhất là ngấm từ sàn vệ sinh tầng trên xuống tầng dưới. Hiện tượng xảy ra khi các đường ống đi xuyên sàn hoặc miệng ống thu thoát sàn bị hở. Nguyên nhân chính là sau một thời gian sử dụng nhà có hiện tượng lún không đồng đều khiến các vị trí tiếp giáp giữa cổ ống bị hở khiến nước từ đó thấm xuống trần dưới.
Nguyên nhân thứ hai là do ngấm chân tường từ bên trong nhà vệ sinh ra mặt ngoài của tường. Lý do chính là sự xuất hiện của vết rạn nứt tại vị trí tiếp giáp giữa tường và sàn bê tông, nước từ trong sàn có thể thấm qua mạch gạch và thẩm thấu ra bên ngoài.
Còn một nguyên nhân khác là do đầu nối các thiết bị đi đường ống âm tường bị rỉ nước.
Để khắc phục triệt để sự cố này bạn phải tìm ra nguyên nhân chính xác nước từ đâu ngấm ra. Sau đó cần gọi thợ điện nước kiểm tra lại toàn bộ các vị trí thiết bị đặt âm tường và đi xuyên sàn, ví dụ như: cổ ống bồn cầu, cổ ống hố ga thu sàn, các thiết bị vòi sen… Khi tìm ra nguyên nhân chính xác từ đâu và vị trí nào, bạn cần gọi đơn vị chống thấm chuyên nghiệp tiến hành xử lý.
Trong trường hợp bạn tự xử lý được, nên đục tẩy bỏ toàn bộ sàn gạch đã ốp lát, sau đó xử lý bề mặt sàn nhà vệ sinh cũng như các vị trí cổ ống đi xuyên sàn. Song song với đó là kết hợp xử lý chống thấm luôn chân tường bên trong nhà vệ sinh bằng các vật liệu chống thấm như dùng tấm trải khò dán từ sàn lên chân tường 30cm.
Cách làm này sẽ mất thời gian và chi phí hơn, nhưng sẽ xử lý được dứt điểm hiện tượng ngấm nhà vệ sinh, tránh phải làm đi làm lại nhiều lần nếu như không tìm ra nguyên nhân ngấm chính xác.
Lưu ý: Sau khi chống thấm, cần yêu cầu đơn vị thi công tiến hành xả nước ngâm 24 giờ trước khi hoàn thiện lại ốp lát và lắp thiết bị.
Trang Vy