Chiều qua (12/4), mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng tỉnh Long An sẽ sáp nhập vào tỉnh Tây Ninh, tên gọi mới vẫn là tỉnh Tây Ninh và trung tâm hành chính được đặt tại địa bàn hiện nay của tỉnh Tây Ninh. Tin tức này nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi với tốc độ chóng mặt, gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Cán, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Long An khẳng định: “Thông tin về việc trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Tây Ninh là hoàn toàn không chính xác. Đây không phải là thông tin được phát đi từ cơ quan có thẩm quyền. Người dân không nên chia sẻ hay lan truyền những nội dung sai lệch như vậy, tránh gây hoang mang trong cộng đồng”.

Trụ sở UBND tỉnh Long An.
Cũng theo ông Cán, sau khi báo cáo lãnh đạo và tiến hành xác minh, cơ quan chức năng xác định đây là thông tin xuất hiện trên mạng, chưa được xác nhận bởi bất kỳ cơ quan chức năng trung ương nào. Hiện nay, Trung ương đang trong quá trình thảo luận, chưa có quyết định chính thức nào liên quan đến việc sáp nhập các tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Cán cũng thông tin thêm rằng tỉnh Long An đang triển khai việc rà soát, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo đúng chỉ đạo từ Trung ương. Dự kiến trong tuần tới, chính quyền sẽ lấy ý kiến người dân về phương án sắp xếp này.
Trong những năm qua, Long An và Tây Ninh cũng là “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, cả 2 cùng ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao
Tuy không dẫn đầu, nhưng cả hai đều có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế lớn và những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Long An là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng khi tiếp giáp TP.HCM về phía Đông, giáp Tây Ninh và Campuchia về phía Bắc và tiếp giáp 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang về phía Tây và Nam. Nhờ nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển về nông nghiệp.