Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) do Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (DXS – FERI) vừa công bố cho biết sau giai đoạn chuẩn bị và khởi động trong quý I, từ tháng 4-2024, một số doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu chạy đà và tăng tốc để chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh nguồn cung mới nhà ở vẫn còn hạn chế.
Niềm tin được cải thiện
Nhờ đó, thị trường đón nhận nhiều dự án cả mới và cũ được triển khai kinh doanh (tái khởi động, khởi công, ký kết, công bố, mở bán, giới thiệu ra thị trường…). TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Bình Dương là những khu vực giữ vai trò dẫn dắt.
Trong đó, nguồn cung mới có sự tăng trưởng đáng kể, gấp 1,8 lần so với toàn quý I/2024; chủ yếu đến từ thị trường miền Bắc với các dự án có quy mô lớn như Lumi Hà Nội, Vinhomes Royal Island (Hải Phòng) và một số dự án nổi bật ở phía Nam như A&T Sky Garden, Picity Sky Park…
Tỉ lệ hấp thụ cũng có sự tăng trưởng đáng kể, riêng thị trường miền Bắc tăng bình quân đến 60% – 65%. Trong khi thị trường phía Nam ghi nhận tỉ lệ hấp thụ tốt từ cả các giỏ hàng đã mở bán trong những giai đoạn trước lẫn các dự án mới.
“Tâm lý khách hàng đã có sự cải thiện đáng kể, ghi nhận qua số lượng khách hàng quan tâm tìm hiểu và xuống tiền giao dịch tại những dự án được công bố. Lãi suất ngân hàng ổn định và đang ở mức thấp là yếu tố giúp khách hàng tự tin mua BĐS, đặc biệt là nhu cầu mua để ở. Tuy nhiên, việc giá vàng liên tục biến động cũng ít nhiều tác động đến tâm lý nhóm khách mua đầu tư ngắn hạn” – báo cáo nêu.
Trong khi đó, Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết thị trường đang chứng kiến sự trở lại của một số lượng lớn nhân sự trong ngành BĐS. Đặc biệt, số lượng nhân viên kinh doanh quay trở lại ngành tăng khoảng 20% – 30% so với cùng kỳ. Ngoài ra, số DN BĐS quay lại hoạt động tăng trưởng đến 22% so với cùng kỳ cho thấy thị trường đã sẵn sàng cho một chu kỳ mới.
TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện DXS – FERI, nhận định các chủ đầu tư hiện nay đã tự tin hơn trong việc thiết lập các mục tiêu kinh doanh và tài chính với mức tăng trưởng vượt trội so với năm 2023. Một số chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn tất tái cấu trúc và chuẩn bị các nguồn lực tài chính, sản phẩm, nhân sự để trở lại thị trường.
“Hiện nay, số lượng nhân viên kinh doanh tại các DN BĐS đã tăng 20% – 30%. Các sàn giao dịch quay lại hoạt động tiếp tục tăng tạo ra nhiều cơ hội cho cá nhân môi giới cũng như sự cạnh tranh lớn hơn giữa các DN môi giới. Niềm tin vào thị trường đã có sự cải thiện khi các dự án mở bán mới lẫn các dự án đang được truyền thông đều nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng và các nhà đầu tư khi hầu hết đều tin rằng thị trường đã bước qua vùng đáy” – ông Khôi chia sẻ.
Nguồn cung sẽ dồi dào hơn
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, dự báo thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Cơ sở cho nhận định này là kinh tế vĩ mô đang phục hồi tốt, Chính phủ quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công cũng như các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, lãi suất được kiểm soát tốt.
Đặc biệt, việc 3 bộ luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS) dự kiến có hiệu lực sớm kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm cho hàng trăm dự án đang gặp vướng mắc pháp lý. “Tôi cho rằng nguồn cung trên thị trường BĐS từ nay đến cuối năm sẽ dồi dào và giao dịch sôi động hơn năm 2023. Từ đó, DN sẽ có nguồn thu, có dòng tiền giải quyết khó khăn” – TS Sử Ngọc Khương kỳ vọng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TP HCM (HoREA), 4 tháng đầu năm, TP HCM chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô rất nhỏ, cũng không có DN đề xuất dự án mới. Điều đó có nghĩa nguồn cung BĐS thời gian tới sẽ tiếp tục thiếu hụt. Tuy vậy, theo ông Châu, điểm sáng của thị trường là các DN đã nỗ lực tái cấu trúc, tái khởi động và bán lại sản phẩm của dự án cũ.
“Chúng tôi có niềm tin thị trường BĐS sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 vì các bộ luật liên quan đến BĐS đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét có hiệu lực sớm. Chính phủ cũng đang xây dựng nghị quyết thí điểm, cho phép DN, tổ chức kinh tế được thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng với đất khác không phải đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Việc này sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng trăm dự án đang ách tắc (khoảng 148 dự án). Điều này đồng nghĩa nguồn cung ra thị trường sẽ cải thiện hơn” – ông Lê Hoàng Châu nhận xét.