Nguồn cung thấp, thị trường không có giao dịch
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần DKRA loại hình bất động sản nghỉ dưỡng , nguồn cung sơ cấp trong quý III/2024 ở mức thấp, chủ yếu từ dự án đã mở bán từ những năm trước. Thị trường không có giao dịch. Mặt bằng giá bán sơ cấp dao động 7,1 – 16,3 tỷ đồng/căn.
Sản phẩm thứ cấp cũng ghi nhận diễn biến ảm đạm tương tự khi không phát sinh giao dịch . Hàng loạt dự án chưa được đưa vào khai thác sử dụng đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những sai phạm trong vấn đề pháp lý của các dự án cũng có tác động tiêu cực, khiến thanh khoản gặp khó.
Còn với loại hình condotel , nguồn cung sơ cấp quý III tăng 2% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ dự án cũ. Nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng trong 2 năm qua do sự thận trọng của nhiều chủ đầu tư trước tình hình khó khăn.
Condotel tại Quảng Nam và Đà Nẵng chiếm 93% tổng nguồn cung sơ cấp khu vực. Lượng tiêu thụ tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tuy nhiên chỉ tập trung cục bộ tại 1 dự án ở Quảng Nam. Những dự án sơ cấp khác hầu như đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch.
Giá bán trên thị trường sơ cấp tiếp tục đi ngang. Giá condotel ở Đà Nẵng dao động 33 – 148 triệu đồng/m2, ở Quảng Nam khoảng 38 – 156 triệu đồng/m2, ở Thừa Thiên Huế khoảng 22 – 27 triệu đồng/m2.
Việc nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý, tiến độ thi công không đảm bảo do thiếu vốn cùng với sự khó khăn trong thanh khoản khiến thị trường tiếp tục trầm lắng kéo dài và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Dự báo trong quý IV, chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng, nguồn cung mới của bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục vắng bóng. Nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ, niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở mức thấp.
Nhà đầu tư ngại rủi ro, khó xuống tiền mua
Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu BHS Group, nguyên nhân chính khiến bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm ” là suất đầu tư phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao, gặp nhiều thách thức trong vận hành và tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, một căn hộ nghỉ dưỡng diện tích 40m2, trung bình nhà đầu tư phải bỏ ra từ 2 – 3,5 tỷ đồng.
Với mức giá này, bất động sản nghỉ dưỡng rất khó hấp dẫn được nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trước đây vẫn chôn vốn do dự án không thể đưa vào vận hành kinh doanh và cũng không có thanh khoản.
Trước đó, số liệu từ BHS cho thấy, phần lớn bất động sản nghỉ dưỡng đã bàn giao cho người mua nhưng chưa được đưa vào vận hành khai thác.
Hiện tại, hơn 20 nghìn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng “bơ vơ” do chưa được vận hành kinh doanh. Đây cũng chính là yếu tố khiến khách hàng, nhà đầu tư quay lưng, dẫn đến tình trạng ế ẩm của phân khúc bất động sản này trên địa bàn cả nước thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn – phân tích, năm 2024, nhà phố biến động, đất nền ảm đạm và chờ thời. Bất động sản nghỉ dưỡng không được nhắc đến.
Điều này cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn rất nhiều khó khăn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp vẫn “ôm” núi nợ, đặc biệt là nợ từ phát hành trái phiếu . Như vậy, con đường phục hồi của phân khúc thị trường này có thể còn chậm và nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa – cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể thoát khỏi tình trạng “ngủ đông” chủ yếu do thiếu dòng tiền đầu tư mới. So với các phân khúc khác như nhà ở, văn phòng, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng cần vốn lớn, thời gian thu hồi dài. Điều này khiến việc chuyển nhượng và tìm kiếm người mua khó khăn hơn, từ đó làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Theo ông Tuấn, khung pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse thiếu rõ ràng cũng khiến nhà đầu tư ngại rủi ro và khó quyết định xuống tiền.