Theo Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Năm 2023, tăng trưởng của ngành này là âm 6,38%. Tuy nhiên, đến năm 2024, kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức tăng 2,51% trong quý I đã nâng lên 2,94% trong quý II/2024.
Nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản Thành phố có doanh thu ổn định, mức tăng trưởng dù thấp nhưng quý sau bắt đầu cao hơn quý trước.
“Thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trằm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên”, Cục Thống kê TP.HCM nhận định.
Theo thống kê từ NHNN chi nhánh TP.HCM, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Cụ thể, tháng 3/2024 tăng 0,96%; tháng 4/2024 tăng 1,15% và tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng 1,15% và đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
Về tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất – khu công nghiệp; văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác. Trong đó tín dụng khu chế xuất – khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023. Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản, song tín dụng lĩnh vực này tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của lĩnh vực này và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như: Lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội; Luật bất động sản; Luật nhà ở và kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và những chuyển biến tích cực trên, sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới, theo Chính phủ thông tin.
Chia sẻ tại Phiên họp thường kỳ UBND TP.HCM tháng 6 chiều 1/7, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong quý II đã tháo gỡ 2/7 dự án thương mại, còn lại 5 dự án sẽ cố gắng giải quyết trong quý III.
Trong báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh quý 2/2024 được Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (Huba) gửi tới UBND TP.HCM mới đây, cho biết, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những tín hiệu tích cực khi Quốc hội đã thông quan 3 Luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản; gồm có: Đất đai, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản.
Việc thực thi các Luật mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý cho doanh nghiệp và khuyến khích sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn. Đồng thời, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ xóa bỏ tình trạng hai giá, làm cơ sở hợp lý cho việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí – hiệu quả đầu tư dự án…